Chỉ tiêu khác biệt trong lợi nhuận ngân hàng 2020

14/11/2024
Chỉ tiêu này đáng chú ý hơn khi nhìn vào lợi nhuận, mức tăng trưởng mà các ngân hàng sắp công bố.

Trung tuần tháng 4/2020, tại cuộc họp của Thủ tướng, các bộ với cộng đồng doanh nghiệp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu: “Những ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm tối thiểu 40% lợi nhuận”.

Thông điệp đó gắn với yêu cầu, nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn bởi dịch Covid-19.

Từ “dứt khoát” như mang hàm ý bắt buộc. Tuy nhiên, đây không phải mục tiêu hay chỉ tiêu pháp lệnh nào đó, cũng không có văn bản pháp lý nào quy định bắt buộc phải giảm như vậy được công bố cụ thể.

Dù vậy, cho đến nay, kể cả khi đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn Nhà nước vẫn chưa định rõ được chỉ tiêu lợi nhuận năm nay.

Chỉ tiêu cụ thể còn đợi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng. Và “dứt khoát phải giảm tối thiểu 40% lợi nhuận” như Phó thống đốc Đào Minh Tú phát biểu ở trên trở thành một tham chiếu.

Năm 2020 vẫn còn quãng đường dài. Dự kiến từ tuần tới các NHTM sẽ lần lượt công bố báo cáo tài chính quý II cụ thể. Với các thành viên có vốn Nhà nước, “dứt khoát phải giảm tối thiểu 40%” trở thành một so sánh.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của BizLIVE, với kết quả 6 tháng đầu năm, yêu cầu trên có khả năng trở thành một nhiệm vụ bất khả thi.

Tại một NHTM lớn có vốn Nhà nước, mặc dù liên tục giảm lãi suất, đi đầu giảm lãi suất cho vay, thực hiện giảm phí dịch vụ, gia tăng trích lập dự phòng…, nhưng lợi nhuận ước tính cũng chỉ giảm được khoảng 3% so với cùng kỳ 2019. “Chỉ tiêu” giảm tối thiểu 40% lợi nhuận theo đó đang trở nên quá lớn.

Hay tại một NHTM lớn khác, dù không nằm trong diện phải thực hiện “chỉ tiêu” trên, nhưng lợi nhuận cũng trở nên trầm hơn, mà theo lý giải của lãnh đạo ngân hàng này thì họ đang dồn sang chỉ tiêu khác.

Đó là chỉ tiêu tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu (LLR). Nó trở nên đáng chú ý hơn trong lợi nhuận ngân hàng năm 2020.

LLR càng cao, lợi nhuận tạm thời chuyển sang càng lớn. Hệ thống NHTM Việt Nam những năm gần đây đã xuất hiện một số thành viên có chỉ tiêu này cao, và tiếp tục tăng cao trong 6 tháng đầu năm nay.

Như tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), LLR từ 2018 rồi 2019 đã đột biến lên 160% rồi 170%, đến nay đã tiếp tục tăng lên khoảng 180%.

Hay tại Ngân hàng Quân đội (MB), tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu sau khi vượt trên 100% năm 2019 đã tiếp tục lên tới khoảng 135% đến cuối tháng 6/2020.

Một mặt, LLR cao phản ánh năng lực chủ động của ngân hàng trước nợ xấu; mặt khác cho thấy lợi nhuận tiềm ẩn ở đây lớn, gắn với triển vọng hoàn nhập.

Tỷ lệ bao phủ này lên tới khoảng 180% tại Vietcombank, hay 135% tại MB có nghĩa, với 1 đồng nợ xấu thì họ lần lượt có tới 1,8 đồng và 1,35 đồng đối ứng, tức là thừa sức đối ứng với nợ xấu.

Nhưng vì sao lại có được tỷ lệ bao nợ xấu cao như vậy, lớn hơn nhiều so với mức độ nợ xấu và có trích lập quá tay để “ém” lợi nhuận hay không?

Câu trả lời nằm ở các cơ chế đan xen hiện nay. Theo đó, LLR cũng góp phần phản ánh khác biệt giữa các NHTM, về chất lượng lợi nhuận, về khẩu vị rủi ro, về mức độ tập trung ở các phân khúc…

Theo quy định, nợ xấu ở các nhóm buộc phải trích lập dự phòng ứng với các tỷ lệ khác nhau, cao nhất là 100% (nợ nhóm 5). Ngoài ra, ngân hàng phải trích lập thêm 0,75% cho tổng nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4, bao gồm cả dư nợ không phải là nợ xấu.

Khác biệt về mức độ trích lập, cũng như phản ánh khẩu vị của các NHTM, còn tùy thuộc vào việc xác định giá trị tài sản đảm bảo để khấu trừ rồi mới trích lập dự phòng. Có tình huống đánh giá cao giá trị tài sản đảm bảo, bớt mức trích dự phòng. Ngược lại, có trường hợp hạ về gần 0 để tăng nguồn trích lập dự phòng ở đây.

Với năm 2020, khác biệt mới và dự kiến lớn đang định hình. Yếu tố này khiến LLR năm nay trở nên nổi bật. Đó là gắn với Thông tư 01 của NHNN về hỗ trợ khách hàng cơ cấu nợ bởi Covid-19.

Thông tư 01 cho phép cơ cấu nợ mà không phải chuyển nhóm. Cơ chế ở đây mở. Khi nợ cơ cấu không phải chuyển nhóm, mức trích lập dự phòng đối ứng được giữ nguyên, thay vì phải tăng lên khi chuyển nhóm thành nợ xấu hoặc nợ xấu cấp độ cao hơn.

LLR sẽ trở nên cao hơn nếu NHTM lựa chọn vẫn thực hiện trích lập dự phòng thêm cho nợ được cơ cấu lại theo nhóm lẽ ra phản ánh đúng cấp độ nợ xấu. Điều này góp phần khiến tỷ lệ trích dự phòng bao nợ xấu cao hơn nhiều so với quy mô nợ xấu trên báo cáo; lợi nhuận một phần cũng “tạm trú” ở đây hoặc đi cùng với tiềm năng hoàn nhập trong tương lai.

Yếu tố trên không mới. Cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm từng được triển khai trong hệ thống NHTM Việt Nam nhiều năm qua, cao điểm quy mô từng lên tới khoảng 300.000 tỷ đồng gắn với Quyết định 780 từ năm 2012. Đi cùng, mức độ trích lập dự phòng và gắn liền với lợi nhuận ở mỗi thành viên có khác nhau.

Như vậy, năm nay, thêm yếu tố Thông tư 01, lợi nhuận của các NHTM công bố sẽ trở nên rất tương đối. Trong khi đó, chỉ tiêu LLR trở nên đáng chú ý hơn, và dự kiến sẽ có khác biệt lớn giữa các thành viên.

Nguồn: