Thị trường chứng khoán Châu Á lao dốc ngay lúc mở cửa phiên 24/2, các sàn Châu Âu và Mỹ cũng có tín hiệu tương tự, trong bối cảnh giá hàng hóa tăng mạnh làm trầm trọng thêm nỗi lo về lạm phát và rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế.
Các thị trường tài sản đã chứng kiến sự biến động tăng mạnh sau cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc, với Chỉ số Biến động Cboe, được gọi là thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall, tăng hơn 55% trong 9 ngày qua.
Tại châu Á, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm hơn 3,2% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2020. Trong đó, chứng khoán Australia giảm hơn 3% và blue chip Trung Quốc mất 2%. Chỉ số Nikkei của Nhật cũng giảm hơn 2,1%. Chỉ số VN-Index của Việt Nam giảm 1,15%.
Chứng khoán Châu Âu Euro Stoxx 50 và chứng khoán Đức DAX kỳ hạn tương lai đều giảm hơn 3,5% vào đầu phiên giao dịch, trong khi chỉ số FTSE kỳ hạn tương lai cũng mất hơn 2%.
Chỉ số S&P 500 e-minis giảm 2,3% và Nasdaq kỳ hạn tương lai tương lai giảm 2,8%, báo hiệu chứng khoán toàn cầu sẽ có thêm một phiên ngập trong sắc đỏ.
Trước đó, trong phiên 23/2, các tài sản rủi ro, đứng đầu là chứng khoán, không thể trụ vững trước những bất ổn không ngừng gia tăng. Trong phiên này, chứng khoán toàn cầu biến động rất mạnh. Sau khi tăng tới 0,7% vào lúc đầu phiên giao dịch, chỉ số chứng khoán toàn cầu - MSCI World Index, thước đo hàng đầu cho thị trường chứng khoán trên toàn thế giới - đã đảo ngược nhanh chóng và càng cuối ngày càng giảm sâu, kết thúc phiên mất 1,2%, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021.
Trong đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm 464,85 điểm, tương đương 1,38%, xuống 33.131,76; S&P 500 mất 79,26 điểm, tương đương 1,84%, đóng cửa ở 4.225,5 và Nasdaq Composite giảm 344,03 điểm, tương đương 2,57%, xuống 13.037,49. Các chỉ số giảm mạnh khiến cho chuỗi giảm điểm thêm kéo dài, sau khi S&P 500 trong phiên trước đó đã giảm hơn 10% so với mức cao kỷ lục của ngày 3/1; Nasdaq cũng giảm hơn 16% cho đến nay trong năm nay.
Việc đóng cửa giảm ít nhất 20% so với mức cao kỷ lục ngày 19 tháng 11 - là 16.057,437 điểm - xác nhận Nasdaq đã ở trong xu hướng "con gấu", và chính thức đánh dấu đợt thị trường này rơi vào xu hướng "con gấu" lần đầu tiên kể từ năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát đã phá hủy các thị trường tài chính toàn cầu.
Sở giao dịch Moscow ngày 24/2 thông báo tạm ngừng tất cả các giao dịch.
Các nhà đầu tư trên khắp thế giới đã không còn hứng thú với các tài sản rủi ro dẫn tới hiện tượng cổ phiếu bị bán tháo và đồng USD tăng sau khi Ukraine tuyên bố tình trạng khẩn cấp giữa bối cảnh gia tăng lo ngại về tình huống căng thẳng Nga – Ukraina toàn diện của Nga.
Giao dịch nhiều loại tài sản đã biến động rất mạnh kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin điều quân tới các vùng ly khai của Ukraine vào đầu tuần này – động thái gây ra các lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây với nguy cơ sẽ còn tăng thêm nữa nếu Moscow tiến xa hơn. Giá dầu kỳ hạn tương lai trồi sụt quanh mức cao nhất trong vòng 7 năm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dù vẫn tăng nhưng cũng liên tục biến động.
Ukraine đã ban bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu công dân của họ rời khỏi Nga, trong khi Moscow bắt đầu sơ tán đại sứ quán ở Kyiv.
Các nhà đầu tư vốn đang vật lộn với triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm chống lại lạm phát gia tăng. Nhưng những lo lắng này đã "phần nào bị thay thế bởi các sự kiện ở Đông Âu và ở Nga", Rhys Williams, chiến lược gia trưởng của Spouting Rock Asset Management, cho biết. Theo ông Williams: "Vì vậy, trong ngắn hạn, thị trường sẽ đi lên hoặc đi xuống dựa trên việc ông Putin có hành quân đến Kyiv hay không".
Nếu Putin "đến Kyiv dẫn đến một sự thay đổi chế độ và có khả năng tiếp theo là xảy ra đụng độ theo kiểu du kích thì đó là một kịch bản khó khăn hơn và thực tế là chỉ có một người có thể quyết định điều này", ông Williams nói.
Michael James, giám đốc điều hành giao dịch cổ phiếu của Wedbush Securities ở Los Angeles, cho biết hiện tại có "rất ít xác nhận tích cực cho việc mua bất kỳ thứ gì." Theo ông James: "Nếu có bất cứ điều gì xảy ra, Tổng thống Putin vẫn đang tiếp tục hành động bất chấp các lệnh trừng phạt gia tăng, điều đó thực sự làm tăng thêm sự lo lắng về các hành động mạnh mẽ hơn nữa, và điều đó sẽ có ý nghĩa đáng kể đối với hàng hóa và lạm phát nói chung, đẩy giá nhiều tài sản có khả năng thấp xuống nữa khi tâm lý tiếp tục xấu đi."
Liz Young, người phụ trách mảng chiến lược đầu tư của công ty SoFi, cho biết: "Những rủi ro địa chính trị và những lời ngụy biện khiến các nhà đầu tư phải lo lắng nhiều hơn". Bà nói: "Những gì đang diễn ra càng làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã có từ trước đến nay. Những gì chúng tôi đã thấy trong quá trình này rõ ràng là một sự dồn nén ngày càng gia tăng ở một số lĩnh vực được đánh giá có sự liên quan nhiều ít khác nhau trên thị trường."
Tương tự, các mối đe dọa địa chính trị ngay lập tức đã đè nặng lên lợi suất trái phiếu Mỹ, đẩy lợi suất kỳ hạn 10 năm của nước này quay đầu giảm mạnh xuống 1,8681% so với mức đóng cửa 1,977% ở phiên liền trước, kỳ hạn 2 năm giảm xuống 1,5% từ mức 1,6% ở phiên trước. Các nhà đầu tư trái phiếu không chỉ bận theo dõi các sự kiện Nga - Ukraine mà còn lo ngại về lạm phát với quan điểm Fed đã mắc sai lầm về chính sách.
Việc nhà đầu tư ồ ạt tìm tới tài sản trú ẩn an toàn tiếp tục đẩy USD tăng lên, với chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – sáng 24/2 tăng thêm 0,5 điểm lên lên 96,715, trong đó euro giảm thêm 0,8% so với USD, xuống 1,1220 USD, sau khi đã giảm 0,21% ở phiên liền trước.
Đồng bạc xanh gần đây giảm giá cũng do căng thẳng ở Ukraina gia tăng, bởi làm dấy lên suy đoán rằng Fed có thể ít quyết liệt trong việc thắt chặt chính sách ở cuộc họp vào tháng 3 tới. Tuy nhiên, với môi trường hiện tại, nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn. Những diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng Ukraine làm giảm ham muốn rủi ro thúc đẩy các nhà đầu tư tìm tới nơi trú ẩn an toàn.
USD tiếp tục tăng mạnh so với rúp Nga, sáng nay tăng thêm 5,77%, sau khi đã tăng 3,2% ở phiên 23/2.
Trong lĩnh vực tiền điện tử, bitcoin lao dốc xuống dưới 35.000 USD lần đầu tiên trong vòng 1 tháng.
Các hàng hóa liên quan đến chính trị cũng biến động mạnh.
Vừa mở cửa phiên 24/2, giá dầu Brent đã vọt lên trên 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 9/2014. Dầu WTI sáng nay cũng tăng lên 96,22 USD, cao nhất kể từ tháng 8/2014. Phiên 23/2, giá dầu thô Brent có lúc giảm tới 1% nhưng có lúc tăng gần 2%, và kết thúc phiên gần như không thay đổi so với phiên liền trước, ở mức 96,84 USD, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 0,21% lên 92,10 USD/thùng vào cuối phiên, dù trong phiên có thời điểm giảm 1,9% hoặc tăng 1,7% trong cùng một ngày.
Giá vàng giao ngay sáng nay tăng mạnh, thêm hơn 2% để đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2021, 1,939,97 USD, sau khi đã tăng tăng 0,4% trong phiên 23/2. Vàng kỳ hạn sáng nay cũng tăng 1,8% lên 1,943,9 USD.
Nga là nhà sản xuất vàng lớn thứ 3 thế giới, trong khi công ty Nornickel của nước này cũng là nhà sản xuất palladium và bạch kim chủ chốt trên toàn cầu. Đây là 2 kim loại được sử dụng trong quá trình sản xuất bộ chuyển đổi xúc tác để làm sạch khói thải của ô tô.
Do đó, giá palladium phiên 23/2 tăng 4,5% lên mức cao nhất trong vòng gần 6 tháng trở lại đây do lo ngại nguồn cung từ nhà sản xuất hàng đầu thế giới – Nga – bị ảnh hưởng, trong khi giá vàng vững ở trên ngưỡng quan trọng 1.900 USD sau khi Ukraina ban bố tình trạng khẩn cấp.
Năm ngoái, Nga đã sản xuất 2,6 triệu ounce palladium, tương đương 40% sản lượng khai thác toàn cầu, và 641.000 ounce bạch kim, tương đương khoảng 10% tổng sản lượng khai thác của thế giới.
Với tình hình Nga – Ukraina chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dự báo thị trường tài chính toàn cầu sẽ còn tiếp tục biến động rất mạnh trong những giờ tới.
Tham khảo: Refinitiv
https://cafef.vn/chung-khoan-toan-cau-ruc-lua-usd-dau-va-vang-tang-vot-do-quan-ngai-ve-tinh-hinh-nga-ukraina-20220224142856394.chnNguồn: