Ngày 2/4/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo đó, Thông tư 03 quy định: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: 1.Phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; 2.Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021; 3. Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi thuộc một trong các trường hợp: Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận; Số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/01/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 29/03/2020; Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/1/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021.
Có thể hiểu rằng, Thông tư 03 chỉ áp dụng với các khoản nợ mới phát sinh trước ngày 10/6/2020 và tiếp tục tái cơ cấu cho các khoản nợ đã được tái cơ cấu trước đó, từ Thông tư 01.
Như vậy, các khoản nợ mới phát sinh sau ngày 10/6/2020 sẽ không thuộc diện tái cơ cấu nợ và doanh nghiệp có dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian này, quá hạn trả nợ sẽ bị đưa vào nhóm nợ xấu và không thể tiếp cận dòng vốn mới.
Chia sẻ về những khó khăn khi áp dụng Thông tư 03 của NHNN, Phó TGĐ một doanh nghiệp lớn ngành nhựa cho biết: Hiện doanh nghiệp vướng ở các khoản nợ phát sinh sau ngày 10/6/2020 nhưng không được tái cơ cấu thời hạn trả nợ và cũng không có doanh thu do nhiều địa phương đang áp dụng giãn cách, phong toả.
"Khó khăn chủ yếu của doanh nghiệp hiện nay là dòng tiền ngắn hạn. Thông tư 03 ban hành ngày 2/4/2021 nhưng lại chỉ tái cơ cấu cho các dư nợ mới phát sinh trước ngày 10/6/2020. Như vậy, những khoản nợ ngắn hạn (dưới 12 tháng) gần như không nằm trong diện tái cơ cấu theo Thông tư 03. Điều này gây sức ép lớn lên dòng tiền ngắn hạn của doanh nghiệp khi nhiều địa phương áp dụng cách ly, phong toả, dòng tiền mới từ bán hàng của doanh nghiệp không phát sinh, không thể trả nợ đúng hạn. Điều này sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình thế loay hoay với dòng tiền, phát sinh nợ xấu khiến không thể vay mới để duy trì hoạt động", vị này cho hay, đề xuất: trong giai đoạn này, tất cả các khoản nợ đến hạn đều được tái cơ cấu. Cùng với đó là có thể để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về phương án tái cơ cấu nợ.
Theo Báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện Thông tư 03, NHNN đã thực hiện giữ nguyên nhóm nợ cho 197.000 doanh nghiệp, với mức dư nợ trên 305.000 tỷ đồng.
"Quy định hiện hành là ngân hàng phải thẩm định lại tính khả thi của phương án tái cơ cấu nợ trước khi tái cơ cấu nợ, cho vay mới. Trong bối cảnh như hiện nay, dịch chưa được khống chế mà yêu cầu các NHTM phải thẩm định tính khả thi phương án kinh doanh của doanh nghiệp là rất khó. Đây là một trong những điều khoản đã trói chân các NHTM không dám quyết cho vay. Vì vậy, trong bối cảnh này hãy để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về phương án tái cơ cấu đưa ra", vị lãnh đạo doanh nghiệp phân tích.
Dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như: các khoản chi phí cho người lao động (trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn). Nghiêm trọng hơn, hầu hết các doanh nghiệp đều rất khó khăn trong việc trả lãi vay đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng trong khi phải tạm ngưng hoạt động.
Chia sẻ quan điểm của ngành Ngân hàng về tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp giai đoạn hiện nay, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết: Hiện Hiệp hội Ngân hàng và nhiều ngân hàng đang kiến nghị xoay quanh tháo gỡ 4 vướng mắc chính của doanh nghiệp.
Một là cần mở rộng đối tượng/các khoản nợ được cơ cấu lại (kể cả những khoản nợ phát sinh sau ngày 10/6/2020 vì dịch còn diễn biến phức tạp).
Hai là không giới hạn số lần cơ cấu lại mà nên giao cho TCTD chủ động, căn cứ vào tình hình dịch bệnh thực tế.
Ba là gia hạn thời gian cơ cấu lại nợ (hiện đang quy định tối đa là 12 tháng và không quá 31/12/2021) vì dịch bệnh còn phức tạp;
Bốn là cần cho phép mở dộng phạm vi nợ được cơ cấu lại (cần bao gồm cả thẻ tín dụng, bảo lãnh, L/C, bao thanh toán, chứ không chỉ có nghiệp vụ cho vay vì dịch COVID-19 ảnh hưởng đến khách hàng mà không phân biệt hình thức cấp tín dụng...).
Nguồn: