Doanh nghiệp sốt ruột, ngân hàng cẩn trọng

23/11/2024
Hiện quy mô gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp hơn từ 0,5-4,5 điểm % đã lên gần 300.000 tỉ đồng nhưng vì nhiều lý do, doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận.

Phản ánh đến Báo Người Lao Động, ông Giang Hoàng Hải, Giám đốc Công ty TNHH Du thuyền Viet Princess (trụ sở tại TP HCM), cho biết dịch Covid-19 khiến công ty bị ảnh hưởng nặng nhiều tháng qua. Tuy nhiên, việc tiếp cận gói tín dụng ưu đãi đối với các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch gặp rất nhiều khó khăn.

Trầy trật chứng minh thiệt hại

Theo ông Hải, từ nhiều năm qua, công ty của ông có quan hệ tín dụng với 2 ngân hàng (NH) thương mại, dòng tiền, lương cán bộ nhân viên cũng chuyển qua 2 NH này. Tuy nhiên, đến giờ công ty vẫn chưa được hỗ trợ giảm lãi vay hoặc cơ cấu lại nợ do ảnh hưởng của dịch bệnh.

"Một NH thương mại quốc doanh tôi vay cá nhân với nhiều khoản vay lớn, lương thưởng của cán bộ nhân viên cũng chuyển qua đây. Nhưng từ đầu tháng 3 đến giờ, tôi đã liên hệ nhiều lần vẫn không thấy được hỗ trợ, gốc và lãi trong tháng 3 họ vẫn thu đủ. Tại một NH thương mại cổ phần, chúng tôi đang còn dư nợ hơn 4 tỉ đồng, xin được giãn tiến độ thanh toán, hồ sơ đã gửi từ lâu nhưng chưa được duyệt" - ông Giang Hoàng Hải bày tỏ.

Ông Hải còn phản ánh Công ty TNHH Du thuyền Viet Princess đang có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động trong 12-24 tháng để duy trì hoạt động, trả lương cho người lao động trong lúc chờ hết dịch, ngành du lịch phục hồi nhưng khi liên hệ NH thì được trả lời ngành nghề kinh doanh của công ty nằm trong nhóm có rủi ro cao nên chưa duyệt cho vay mới. Ông Hải thất vọng: "Du lịch, khách sạn, nhà hàng, lữ hành... là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh nhưng lại chậm được hỗ trợ".

Doanh nghiệp sốt ruột, ngân hàng cẩn trọng - Ảnh 1.

Cần có biện pháp tháo gỡ vướng mắc để các đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh dễ dàng tiếp cận gói tín dụng ưu đãi của ngân hàng thương mại Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Lê Minh Tuấn - chủ một DN ở quận Bình Tân, TP HCM - than phiền cách đây hơn tuần, ông nộp đơn đề nghị 2 NH thương mại giảm lãi suất 1%/năm cho tổng số tiền vay 170 tỉ đồng. Kết quả là ông dài cổ đợi. "Tôi đã cung cấp đủ giấy tờ chứng minh nguồn thu từ nhiều mặt bằng cho thuê không còn; chứng minh việc giảm 50% tiền thuê mặt bằng và người thuê mặt bằng kinh doanh karaoke cũng chưa thanh toán khoản này. Khi tôi hỏi các cán bộ trực tiếp quản lý khoản vay về việc giảm lãi suất thì chỉ nhận được câu trả lời... đang chờ phản hồi" - ông Tuấn kể.

Không chỉ DN mà khách hàng cá nhân cũng khó vay vốn nếu không có tài sản thế chấp. Chủ một DNTN có hệ thống 3 trường mầm non quốc tế liên hệ vay vốn cá nhân để chi trả lương cho giáo viên, nhân viên trong trường nhưng không được giải quyết. Chủ DN này không có tài sản thế chấp, phải vay thế chấp bằng sổ tiết kiệm của gia đình nhưng không đủ, giờ đang tiếp tục liên hệ vay tín chấp nhưng lãi suất khá cao, từ 12%-15%/năm...

Ngân hàng lo rủi ro nợ xấu

Nhiều NH thương mại cho biết đang tiến hành cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ thanh toán cho khách hàng theo Thông tư 01 của NHNN và triển khai hàng loạt gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ lãi suất cho khách hàng DN và cá nhân. Quy mô của gói tín dụng ưu đãi được các NH thương mại cam kết cho vay đã lên gần 300.000 tỉ đồng với lãi suất thấp hơn từ 0,5-4,5 điểm %.

Tuy nhiên, trong báo cáo liên quan đến việc triển khai chính sách này, Bộ Công Thương thừa nhận hầu như DN rất khó tiếp cận với các hỗ trợ tín dụng tại Thông tư 01 của NHNN. Nguyên nhân chính do NHNN dành nhiều quyền tự quyết cho các NH thương mại trong việc hỗ trợ DN, trong khi bản thân các NH thực chất hoạt động theo cơ chế của DN thông thường, phải chịu sức ép về chỉ tiêu lợi nhuận với các cổ đông...

Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) - nhấn mạnh cũng vì những lý do trên, một bộ phận lớn DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của NH thương mại.

Trong khi đó, lãnh đạo một chi nhánh NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nói rằng việc thẩm định hồ sơ phải cân nhắc kỹ. Cụ thể, trong 10 ngày qua, chi nhánh có 15 khách hàng DN, cá nhân thuộc lĩnh vực giáo dục, vận tải hành khách… chứng minh được doanh thu và thu nhập sụt giảm nên được duyệt hồ sơ giảm lãi suất, gia hạn nợ. Còn các khách hàng khác cần thời gian xác minh thêm, thẩm định năng lực tài chính của người vay, sau khi dịch bệnh kết thúc, mới quyết định gia hạn nợ, giảm lãi suất hay không.

Theo một lãnh đạo NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), khó khăn lớn nhất của DN lúc này là dòng tiền thanh toán thiếu hụt nên khoanh, giãn nợ hoặc vay vốn mới là cấp thiết. Nhưng cái khó là ngoài việc xác minh DN bị thiệt hại do dịch bệnh, NH còn phải đánh giá khả năng phục hồi của DN đó sau dịch bệnh nhưng lại không xác định được dịch bệnh sẽ kết thúc vào thời điểm nào.

"Vừa qua, chúng tôi tiếp nhận nhiều hồ sơ gia hạn nợ, vay vốn mới nhưng chỉ xem xét giải quyết đối với những DN thuộc các lĩnh vực có khả năng hồi phục như hàng không, giáo dục… Còn các DN khó phục hồi "sức khỏe" thì chưa dám quyết cho vay. Chúng tôi phải thận trọng vì nếu sau dịch bệnh, các DN này tiếp tục mất khả năng thanh toán thì NH sẽ gánh phải nợ xấu" - tổng giám đốc của một NH thương mại tại TP HCM giải thích thêm.

Bảo vệ doanh nghiệp để kinh tế không bị đổ gãy

Ngày 13-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp cho ý kiến về công tác chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Thủ tướng với DN để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng cộng đồng DN rất trông đợi sự kiện này, để làm sao có thể tận dụng được "thời gian vàng" phục hồi kinh tế. Ông Lộc đề nghị sau hội nghị cần có một chương trình hành động cụ thể tiếp sức cho DN phục hồi trong thời gian tới. Chương trình này cần có địa chỉ, có thời gian, có người thực hiện, có chế tài cụ thể. Còn theo ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, trước hết, các bộ cũng phải tăng cường đối thoại với DN để tháo gỡ khó khăn, chứ không phải vấn đề gì cũng đẩy lên Thủ tướng.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng cho rằng dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, trong đó mức độ thiệt hại đối với cộng đồng DN rất nặng nề. Thủ tướng nêu rõ việc đầu tiên hiện nay là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân nhưng nhiệm vụ thứ 2 rất quan trọng đối với Chính phủ là bảo vệ lực lượng sản xuất, trước hết là các loại hình DN để kinh tế không bị đổ gãy. "Chúng ta giữ cho mặt trận thứ 2 về kinh tế không bị đứt gãy, giữ được việc làm cho người lao động và có sự tăng trưởng cần thiết, là yêu cầu cấp bách hiện nay" - Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng khẳng định sự cần thiết tổ chức hội nghị để phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19 với chủ đề hướng vào tái khởi động nền kinh tế sau dịch.

Về các biện pháp cấp thiết triển khai sau hội nghị, Thủ tướng gợi ý có thể là một quyết định về chương trình hành động tái khởi động nền kinh tế hoặc một nghị quyết nêu các biện pháp cần thiết thúc đẩy phát triển DN.

T.Dũng


Kiến nghị sửa đổi Thông tư số 01

Để giải quyết vướng mắc, Bộ Công Thương cho rằng cần áp dụng các công cụ mạnh hơn để trực tiếp hỗ trợ tín dụng cho các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, đơn giản và minh bạch hóa các thủ tục để DN có thể dễ dàng tiếp cận các hỗ trợ tín dụng của nhà nước; đồng thời tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực thi các chính sách hỗ trợ tín dụng của NH để bảo đảm việc hỗ trợ hiệu quả. Bộ Công Thương còn kiến nghị sửa đổi các quy định cụ thể tại Thông tư số 01 để tạo điều kiện cho DN dễ tiếp cận hỗ trợ tín dụng.

Doanh nghiệp sốt ruột, ngân hàng cẩn trọng - Ảnh 3.

Nguồn: