FE Credit sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi quy định mới về siết cho vay tiêu dùng?

12/01/2025
Thông tư 18 vừa được NHNN có nhiều quy định mới với xu hướng siết hoạt động cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính. Điều này được cho sẽ tác động mạnh nhất tới FE Credit - công ty đang có thị phần lớn nhất thị trường tín dụng tiêu dùng hiện nay.

Ngân hàng Nhà nước gần đây đã ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 43/2016 về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ 1/1/2020.

Đáng chú ý, nhiều quy định mới của Thông tư có xu hướng siết chặt hoạt động cho vay tiêu dùng.

Cụ thể, NHNN đã đưa ra lộ trình chi tiết đưa tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng về mức 30%. Theo đó, tỷ lệ này tối đa ở mức 70% trong năm 2021. Năm 2022, tỷ lệ tối đa là 60%; năm 2023 là 50% và về mức 30% kể từ ngày 1/1/2024.

So với dự thảo được đưa ra trước đó, lộ trình chính thức này sẽ bớt áp lực hơn cho các công ty tài chính. Theo đó, họ sẽ còn 4 năm để đưa tỷ trọng cho vay tiền mặt về mức 30%. Tuy nhiên, thực hiện lộ trình này cũng không dễ dàng bởi thực tế, trên thị trường, nhiều công ty tài chính có thị phần lớn có tỷ lệ cho vay tiền mặt ở mức cao hơn so với yêu cầu của NHNN.

Theo báo cáo của chứng khoán SSI, FE Credit sẽ là công ty chịu ảnh hưởng nhiều nhất, mặc dù tác động ở mức thấp hơn nhiều so với dự thảo Thông tư trước đó. Công ty tài chính này có cơ cấu cho vay tập trung nhiều vào các khoản vay tiền mặt. Cơ cấu sản phẩm bao gồm 76% cho vay tiền mặt, 8% cho vay mua xe máy, 4,7% cho vay điện máy và 11,4% cho vay thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, tỷ lệ cho vay tiền mặt đối với khách hàng có tổng dư nợ trên 20 triệu đồng của FE Credit dưới 70%. Do đó, trong 2 năm tới (2020 và 2021), tác động sẽ chỉ ở mức thấp do lộ trình chưa ảnh hưởng sâu đến hoạt động kinh doanh của FE Credit. Trong khi đó, từ năm 2022-2024, FE Credit có thể phải hy sinh phần nào hệ số NIM để đạt được cơ cấu danh mục cho vay cân đối hơn.

Trong khi đó, JP Morgan từng nhận định, việc giảm tỷ trọng cho vay tiền mặt sẽ khiến FE Credit không thể mở rộng các khoản vay mới bằng tiền mặt, các khoản vay tiền mặt có kỳ hạn dưới 1 năm sẽ không thể được gia hạn và sẽ bị loại khỏi danh mục. VPBank (ngân hàng mẹ của FE Credit) sẽ cần bù đắp điều này bằng việc tăng các khoản vay tiêu dùng có bảo đảm ở FE Credit.

JP Morgan ước tính cho vay tiền mặt trong cơ cấu dư nợ FE Credit sẽ giảm 25% mỗi năm trong giai đoạn 2020 - 2021 xuống còn 28% tổng dư nợ cho vay. Dẫn đến sự sụt giảm hiệu suất sinh lời của tài sản 110 điểm cơ bản/năm, NIM hàng năm giảm trên 80 điểm cơ bản và ROE giảm xuống 15-16% từ mức 20%.

Đối với HD Saison, SSI Research duy trì quan điểm công ty này sẽ ít chịu ảnh hưởng nhất do cơ cấu cho vay bao gồm cho vay tiền mặt (33%), xe máy (43%), điện máy (24%). Dù các khoản vay tiền mặt của MCredit trong tổng dư nợ cho vay khoảng 70%, nhưng việc tái cấu trúc danh mục sản phẩm có thể dễ dàng hơn do quy mô vẫn còn khiêm tốn.

Không chỉ giảm tỷ trọng cho vay tiền mặt, một số quy định mới cũng có định hướng siết hoạt động cho vay tiêu dùng. Thông tư 18 quy định, đối với hoạt động thu hồi nợ, không cho phép đòi nợ bằng biện pháp đe dọa đối với khách hàng. Số lần nhắc nợ giữa công ty tài chính và bên vay tối đa không quá 5 lần/ngày. Hình thức và thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng, nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7:00 đến 21:00.

Các công ty tài chính tiêu dùng không nhắc nợ, đòi nợ hoặc gửi thông tin về việc thu hồi nợ cho các tổ chức và cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, hoặc các trường hợp không thích đáng khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo qui định của pháp luật.

Nguồn: