Chia sẻ tại Talk show "Trỗi dậy sau khủng hoảng" với Trí thức trẻ mới đây, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã chỉ ra có nhiều "nút thắt" cần giải quyết để các doanh nghiệp hồi phục và phát triển.
Trong đó, vị chuyên gia chỉ ra một "nút thắt" cụ thể là vấn đề lãi suất. Ông cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam còn rất cao.
"Về mặt tuyệt đối, lãi suất của Việt Nam cao gấp 2-3 lần, gấp 3-4 lần các nước khác. Bởi vì lãi suất cho vay của ta hiện nay bình quân khoảng 8-10%, trong khi các nước khác bình quân khủng hoảng xuống 1%, cao lắm chỉ có 4-5% nhưng như vậy cũng là gấp 2-3 lần. Họ 2%, ta 8% là đã cao gấp 4 lần rồi. Từ đó mới thấy doanh nghiệp của ta yếu, mà mặt bằng lãi suất cao như thế thì làm cho doanh nghiệp Việt Nam khó lớn được. Vậy làm sao xử lý được điều này. Đấy là khái niệm về những "nút thắt" ở tầm chiến lược", PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết.
Hay câu chuyện đầu tư công, giải ngân chậm chạp do thủ tục, trong khi tiền đầy kho cũng là những "nút thắt" cần được tháo gỡ. Bên cạnh đó, "nút thắt" lớn còn nằm ở thế chế, tư duy,...
Cũng tại Talkshow, PGS.TS Trần Đình Thiên rằng, bối cảnh bình thường mới không chỉ bơm tiền, bơm vốn mà còn phải giải tỏa cho nền kinh tế mở cửa lại theo nguyên tắc bình thường. 'Bơm tiền mà trói người ta thì không được. Việc mở cửa thông suốt cho hàng hóa là động lực cần được duy trì, tạo khí thế cho thị trường", ông nói.
Vị chuyên gia cũng đặt câu hỏi, các gói tài chính hỗ trợ thời gian qua là tốt, như thuế, phí, đất đai, điện,…nhưng như vậy đã đủ chưa? Ông cho rằng, cần phải hỗ trợ tiếp, tạo ra khí thế để duy trì động lực.
Đối với chính sách hỗ trợ từ phía các ngân hàng, ông cho rằng việc giảm lãi suất, giảm lãi phí không thực sự quan trọng bằng việc hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. "Họ cần lượng vốn lớn để phục hồi, chứ không phải bớt được chút tiền ưu đãi. Cái họ cần là một cục tiền to, không đủ lượng thì họ không đứng dậy được". Vị chuyên gia nhấn mạnh, đừng quá lo sợ, nếu không mọi động lực sẽ dừng lại và mất hết.
Cách tiếp cận của Nhà nước, bao gồm trực tiếp có Chính phủ, Quốc hội, là hướng đến câu chuyện theo tâm thế dài hạn chứ không phải chỉ cấp cứu. "Chúng ta có lẽ đã bớt cách tiếp cận kiểu cứu nguy. Bây giờ, chúng ta đặt vấn đề theo cách tổng thể hơn, tương thích với tiếp cận chống dịch".
Với cách tiếp cận như vậy, các chính sách hỗ trợ, chính sách mở cửa, gói hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, theo tinh thần trỗi dậy cũng được thiết kế với cách tiếp cận để đón bắt được thời cơ này. Tuy gói hỗ trợ hiện nay chưa chính thức, chưa được công bố, vẫn còn được thảo luận, vẫn còn được cân nhắc nhưng khí thế bắt đầu được lan tỏa.
"Doanh nhân - chủ thể thực của nền kinh tế cũng đang chuẩn bị tinh thần để hoạt động trở lại. Ngay cả ở những chỗ khó khăn nhất như TP.HCM Đồng Nai, Bình Dương chúng ta thấy nó bị nén ép lâu quá rồi nên khí thế đang trở lại tích cực. Đấy là những điều kiện bảo đảm khả năng phục hồi và trỗi dậy cho nền kinh tế Việt nam trong giai đoạn tới", ông cho biết.
Nguồn: