Quan sát thị trường của Công ty chứng khoán SSI cho thấy, kể từ đầu tháng 8 đến nay cho thấy, thị trường mở không phát sinh giao dịch mới và các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn tiếp tục được thực hiện giúp nguồn cung VND được cải thiện.
"Lãi suất tiết kiệm kỳ ngắn hạn tăng nhẹ 10-50 điểm cơ bản tại một số ngân hàng chỉ mang tính chất cục bộ, không phản ánh sự hình thành làn sóng tăng. Lãi suất tiết kiệm sẽ giữ ổn định, nếu tăng cũng chỉ ở mức nhẹ, từ 0,1 – 0,2 điểm %", VCBS nhận định.
Điều này thể hiện rõ nhất ở mức lãi suất liên ngân hàng thấp, qua đêm chỉ quanh 1%/năm; kênh giao dịch trên thị trường mở thường xuyên không phải dùng đến. Kết thúc tuần qua, lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ 6-7 điểm cơ bản, kết tuần vừa qua ở 0,90% cho kỳ hạn qua đêm và 1,04% cho kỳ hạn 1 tuần.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất tiết kiệm vẫn đang duy trì ở mức thấp, 3 – 4% cho kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 – 5,0% cho kỳ hạn 6 – dưới 12 tháng và 4,2 – 6,5% cho kỳ hạn trên 12 tháng. Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng tăng lãi suất cục bộ với mức tăng giao động từ 15 – 30 điểm cơ bản.
Lãi suất tiết kiệm cao nhất tháng 8 dao động từ 5,4% - 7,4%/năm. (Ảnh: ACB)
Tăng cục bộ, lãi suất tiết kiệm cao nhất 7,4%/năm
Về bảng xếp hạng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trong tháng 8/2021, ACB bất ngờ vươn lên đứng đầu bảng so sánh lãi suất ngân hàng với mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại ngân hàng này là 7,4%/năm. Đây là mức lãi suất được ACB áp dụng cho khoản tiết kiệm từ 30 tỷ đồng trở lên gửi tại kỳ hạn 13 tháng.
Như vậy, trong tháng 8 này lãi suất tiết kiệm cao nhất của hệ thống đã chính thức lùi sâu về dưới mức 8%/năm. Ở tháng trước, mức lãi suất cao nhất ghi nhận được là 8,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng tại Ngân hàng Phương Đông (OCB). Tuy nhiên OCB đã dừng triển khai huy động vốn tại kỳ hạn này trong tháng 8.
Biểu lãi suất tiết kiệm cao nhất tại các ngân hàng.
Techcombank đang có lãi suất ngân hàng cao thứ hai, với lãi suất triển khai tại kỳ hạn 12 tháng là 7,1%/năm, không đổi so với tháng trước. Tuy nhiên, điều kiện để hưởng mức lãi suất này đã được Techcombank điều chỉnh từ 200 tỷ đồng lên 999 tỷ đồng.
Một số ngân hàng cũng có mức lãi suất tiết kiệm cao như MSB với 7,0%/năm; LienVietPostBank với 6,99%/năm; HDBank với 6,95%/năm; MBBank và VietABank cùng 6,9%/năm…
Trong nhóm Big 4 ngân hàng gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV, lãi suất tiền gửi cao nhất trong nhóm này hiện tại là 5,6%/năm, được niêm yết tại VietinBank, Agribank và BIDV. Riêng Vietcombank, duy trì ở mức 5,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng.
Tại quầy, VPBank đang có lãi suất thấp nhất trong số các ngân hàng được khảo sát. Theo đó mức lãi suất tiết kiệm cao nhất mà ngân hàng này đang áp dụng là 5,4%/năm, niêm yết cho các khoản tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên có kỳ hạn 15 - 36 tháng.
VPBank là nhà băng có lãi suất tiết kiệm tại quầy thấp nhất hệ thống trong tháng 8. (Ảnh: VPB)
Hiện, mặt bằng lãi suất đã giảm từ 1,5% đến 2,5% kể từ đầu năm 2020 đến nay. Theo giới phân tích, gửi tiết kiệm vào ngân hàng trước nay đều được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh.
Tuy nhiên, với mức lãi suất tiết kiệm thấp như hiện nay đã khiến dòng tiền tích lũy của người dân dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao như chứng khoán, vàng, bất động sản...
Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng tiếp tục tăng thấp, trong khi tiền gửi của nhóm doanh nghiệp, tổ chức tăng cao.
Cụ thể, tổng tiền gửi của dân cư đến cuối tháng 6 là 5,293 triệu tỷ, tăng 2,94% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt 5,111 triệu tỷ, tăng 4,78% sau 6 tháng.
Tiền gửi tiết kiệm của các cá nhân ở ngân hàng tăng chậm kỷ lục.
Như vậy, riêng tháng 6, lượng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng đã tăng ròng trên 17.350 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,32% so với tháng trước. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước trong lịch sử dữ liệu thống kê được công bố.
Ngược lại, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tăng thêm trong tháng 6 là trên 74.200 tỷ đồng, tăng 1,47% so với tháng liền trước và là tháng tăng ròng cao thứ 2 từ đầu năm (chỉ sau mức tăng gần 203.000 tỷ hồi tháng 3).
Tính chung nửa đầu năm, người dân đã gửi ròng thêm gần 151.200 tỷ vào các nhà băng, trong khi số này của nhóm khách hàng tổ chức, doanh nghiệp là gần 233.200 tỷ đồng.
Diễn biến kể trên trái ngược hoàn toàn so với những năm trước khi mà tăng trưởng tiền gửi của dân cư thường lớn hơn nhiều so với các tổ chức kinh tế.
Như trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng ròng tiền gửi của dân cư tại ngân hàng bình quân vào khoảng 330.000 tỷ/nửa đầu năm, cao gấp đôi so với mức tăng 167.000 tỷ/ nửa năm của nhóm khách hàng doanh nghiệp và tổ chức.
Nguồn: