“Ma trận” trái phiếu doanh nghiệp có thể hình thành?

23/11/2024
Tín dụng siết lại, bắt đầu có dấu hiệu trái phiếu doanh nghiệp đan vào nhau, nguồn vốn bắc cầu. Dòng chảy này, và nếu có rủi ro tiềm ẩn, xét trực tiếp thì nằm ngoài hệ thống ngân hàng.

Theo cập nhật từ Ủy ban Chứng khoán, 6 tháng đầu năm 2019, tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp khoảng 60.000 tỷ đồng.

Quy mô trên chưa lớn, nhưng được đại diện Ủy ban Chứng khoán đánh giá là có sự phát triển tương đối nhanh, theo thông tin từ phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp đầu tháng 7 vừa qua.

Cùng với quy mô trên, gần đây thị trường đón nhận thêm một số trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu, rồi đầu tư vào chính kênh này và dáng dấp của một “ma trận” có thể manh nha hình thành từ đây.

Tại thời điểm này, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu có hướng phát triển mạnh lên, có thể nhìn về những hướng chuyển động có tính chất bắc cầu, đan xen.

Thứ nhất, đó là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thông thường, đầu tư tài chính không phải là hoạt động cốt lõi, nhưng danh mục đầu tư trái phiếu bắt đầu mở rộng hoặc dày lên.

Thứ hai, có trường hợp đầu tư trái phiếu doanh nghiệp khác khi chính họ cũng đang phải huy động vốn bằng trái phiếu.

Thứ ba, trong sự giao thoa trên, dĩ nhiên cấu trúc vốn và sử dụng nguồn của doanh nghiệp đa dạng, cả ở cân đối các kỳ hạn, nhưng khi họ phát hành trái phiếu có lãi suất cao trong khi rót vốn vào trái phiếu doanh nghiệp khác có lãi suất thấp hơn và thấp hơn nhiều so với “mặt bằng” trên thị trường thì cũng đáng để ý.

Thứ tư, thêm một cầu trung gian nữa, doanh nghiệp huy động được vốn bằng trái phiếu đó tiếp tục có hoạt động đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu khác.

“Ma trận” nếu hình thành ở những vòng quay trên sẽ làm gia tăng yếu tố đòn bẩy trong hoạt động tài chính, tài sản doanh nghiệp.

Vòng quay đó gợi nhớ giai đoạn trước đây, một số ngân hàng thương mại từng cho vay chéo, sở hữu chéo để tăng vốn “ảo”, tăng tổng tài sản “ảo” từ nguồn vay mượn mà tiềm ẩn rủi ro phải xử lý lâu dài.

Cũng như ở ngân hàng giai đoạn trước, hoạt động đan vốn trái phiếu doanh nghiệp nói trên có dáng dấp của thân hữu, hoặc các đối tác đang cùng hoặc giao thoa một phần của hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ nào đó.

Trái phiếu là vốn vay, thường hạn chế ở giá trị tài sản đảm bảo. “Ma trận” trái phiếu càng mở rộng, cuốn hút nhiều thành viên trong các vòng quay để tạo thành một hệ sinh thái thì càng gia tăng mức độ đòn bẩy cùng quy mô gia tăng tài sản, và nếu phát sinh rủi ro thì hiệu ứng dây chuyền càng lớn.

Như trên, quy mô của lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam hiện chưa lớn, dù có bước phát triển khá nhanh; quy mô của mỗi “ma trận” đan xen theo đó nếu hình thành cũng chưa lớn.

Nhưng với xu hướng thúc đẩy phát triển thị trường vốn, phát triển kênh trái phiếu doanh nghiệp để giảm thiểu lệ thuộc tín dụng ngân hàng, không loại trừ khả năng hình thành những “ma trận” lớn dần trong tương lai.

Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp nói trên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu quan điểm: “Nếu vốn của doanh nghiệp mà dựa cả vào ngân hàng thương mại thì sẽ khó khăn. Do vậy, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là bước tất yếu. Doanh nghiệp có nhu cầu vốn mà họ phát hành được thì tốt, tăng vốn cho nền kinh tế. Nhưng nếu có bất thường, thiếu minh bạch hoặc thiếu an toàn thì phải chấn chỉnh”.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu các đầu mối chức năng, nếu có hiện tượng nào bất thường trong hoạt động này thì phải lưu ý.

Còn ở khía cạnh giảm thiểu lệ thuộc tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp đang là một hướng đi có những khía cạnh khác nữa.

Trái phiếu gắn với nhu cầu vay vốn trung dài hạn. Tín dụng trung dài hạn đang và tiếp tục theo cơ chế siết lại mà Ngân hàng Nhà nước quy định (giảm dần giới hạn ngân hàng được sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn).

Bên cạnh đó, tín dụng vào các kênh như bất động sản, chứng khoán - những lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp đang phát hành trái phiếu - cũng thường xuyên được Ngân hàng Nhà nước “lưu ý”, cùng hệ số rủi ro tín dụng áp cao hơn.

Khi tín dụng siết lại, nhu cầu vốn chuyển qua phát hành trái phiếu, một bộ phận dòng tiền và nguồn vốn không chảy qua trung gian ngân hàng thương mại nữa.

Với hiện tượng doanh nghiệp rót vốn, đan vốn vào trái phiếu gần đây, lượng vốn đó không gửi vào ngân hàng, nhu cầu vay ở đây cũng tách khỏi ngân hàng. Mà nếu có rủi ro, xét về liên hệ trực tiếp thì cũng tách khỏi hệ thống ngân hàng và không phản ánh vào nợ xấu.

Nguồn: