Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo giảm một loạt lãi suất hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Theo đó, trần lãi suất huy động hạ 0,25 điểm % với các khoản tiền gửi dưới 6 tháng. Cụ thể, trần lãi suất với khoản tiền gửi dưới 1 tháng giảm từ 0,8% xuống 0,5% một năm. Lãi suất tối đa cho khoản tiết kiệm từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5% xuống 4,75% một năm.
Ngân hàng Nhà nước không áp trần lãi suất tiền gửi từ 6 tháng trở lên mà các ngân hàng thương mại tự ấn định.
Khách hàng gửi tiền tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: Anh Tú. |
Bên cạnh đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% một năm xuống 5% một năm, lãi suất tái chiết khấu từ 4% xuống 3,5% một năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 7,0% xuống 6% một năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4% xuống 3,5% một năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa của ngân hàng với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39 giảm từ 6% xuống 5,5%.
Bên cạnh đó, mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng của ngân hàng tại Ngân hàng Nhà nước tăng từ 0,8% lên 1% một năm. Một số lãi suất khác cũng được điều chỉnh như tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước...
Việc nhà điều hành hạ lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động diễn ra trong bối cảnh làn sóng nới lỏng toàn cầu được kích hoạt. Theo tính toán của SSI Research, chỉ tính riêng từ đầu tháng 3 đến nay đã có 20 nước giảm lãi suất điều hành 0,25-1 điểm % trong đó có Anh, Canada, Australia, Hong Kong.
Bên cạnh đó, các gói tín dụng với tổng trị giá 285.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 0,5-2% một năm cũng đang được các ngân hàng thương mại triển khai với khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy vậy, việc hấp thụ gói tín dụng này sẽ hạn chế bởi hoạt động sản xuất kinh doanh đang đình trệ, theo đánh giá của SSI.
Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm chỉ đạt 0,06%, mức thấp nhất so với cùng kỳ của 6 năm trở lại đây, tức là chỉ có 5.000 tỷ đồng được giải ngân trong 2 tháng qua. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang điều hành chính sách tiền tệ hết sức thận trọng, điều tiết cung tiền chặt chẽ qua thị trường mở.
Trên thế giới, các Chính phủ cũng đang nới lỏng tài khóa thông qua tăng chi tiêu chính phủ và giảm/hoãn thuế để trợ lực cho chính sách tiền tệ. Singapore đã công bố gói ngân sách trị giá 4,6 tỷ USD, Nhật Bản cung cấp gói chi tiêu khẩn cấp 4,1 tỷ USD, Anh thông qua dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc 106 tỷ bảng. Trung Quốc công bố một loạt chính sách ưu đãi thuế với các lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Chính phủ Mỹ đang đề xuất giảm thuế bảng lương về 0%, Hàn Quốc thông qua gói ngân sách bổ sung 9,8 tỷ USD. Malaysia miễn thuế thu nhập cá nhân cho lao động trong ngành du lịch...
Quỳnh Trang