Ngân hàng số phát triển mạnh, thanh toán tiền mặt sẽ sớm biến mất?

30/11/2024
Thanh toán dùng tiền mặt chắc chắn sẽ còn tồn tại trong thời gian dài nữa nhưng với sự phát triển của thanh toán điện tử và lợi ích mà hệ thống thanh toán điện tử mang lại thì trong tương lai với chi phí ngày càng giảm và độ bảo mật càng cao thì việc thanh toán bằng tiền mặt sẽ dần giảm bớt mà thay vào đó là thanh toán trực tuyến.

Ngày càng nhiều các giải pháp thanh toán mới xuất hiện tại Việt Nam

Tại buổi Tọa đàm về Ngân hàng số tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho rằng, với sự phát triển tương đối muộn của công nghệ thẻ từ, thẻ chip so với khu vực, Việt Nam trở thành "vùng trũng’’ của tội phạm an ninh mạng đến từ Trung Quốc, Đông Âu và các quốc gia lân cận với rất nhiều rủi ro về đánh cắp dữ liệu. Trước diễn biến phức tạp đó, tiêu chuẩn thẻ chip nội địa được xây dựng cho toàn bộ thị trường Việt Nam dựa trên tiêu chuẩn an toàn bảo mật tốt nhất hiện nay, tương thích với chuẩn EMV của quốc tế.

Tháng 5 vừa qua, Napas đã phối hợp với Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam (VBCA) cho ra mắt sản phẩm thẻ chip nội địa tại 7 ngân hàng đầu tiên. So sánh với trước đây, khi thực hiện thanh toán thẻ tại các máy POS đòi hỏi nhiều thao tác thì hiện nay, với những giao dịch nhỏ (dưới 1 triệu đồng) chỉ cần chạm thẻ vào máy trong khoảng vài giây là có thể hoàn thành giao dịch.

Việc thực hiện thanh toán bằng thẻ thuận tiện hơn rất nhiều so với thanh toán bằng tiền mặt. Lợi ích chung đối với xã hội có thể kể đến như người tiêu dùng sẽ không cần phải đem theo quá nhiều tiền trong người, các đơn vị bán hàng cũng sẽ tiết kiệm chi phí về quản lý tiền mặt, luân chuyển dòng tiền diễn ra nhanh hơn.

Ứng dụng của thẻ chip trong thực tế không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thanh toán truyền thống qua máy ATM hoặc máy POS mà còn có thể mở rộng đối với việc thanh toán các dịch vụ khác, ví dụ như giao thông công cộng. Dự kiến sang năm sau, Napas sẽ thử nghiệm dịch vụ này đối với hệ thống xe bus, các tuyến metro và các tuyến đường sắt trên cao tại Hà Nội.

Với các giao dịch sử dụng mã QR code, dựa trên chỉ đạo của NHNN, Napas đã soạn thảo khung tiêu chuẩn đối với mã QR code để đảm bảo tính đồng bộ trên thị trường. Với vai trò hỗ trợ cho các ngân hàng và các trung gian thanh toán, Napas không thực hiện các ứng dụng trực tiếp tới người dùng mà thực hiện chuyển mạch trong các giao dịch này, xây dựng hệ thống kết nối liên thông giữa các đơn vị chấp nhận thanh toán độc lập. Trên cơ sở đó, các đơn vị có thể dùng chung mạng lưới thanh toán quốc gia để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng của mình.

Trong năm 2017, Napas cũng đã ký thỏa thuận với tổ chức chuyển mạch của Singapore (NETS) và hiện đã thử nghiệm thành công mô hình ứng dụng công nghệ Blockchain trong dịch vụ chuyển tiền xuyên biên giới. Tuy nhiên tất cả vẫn còn ở dạng thí điểm, cần có hành lang pháp lý cụ thể cũng như các quy chế liên quan về việc quản lý và đảm bảo hoạt động thanh toán an toàn và bảo mật để có thể triển khai rộng rãi trong tương lai.

Tăng trưởng nhanh chóng của các công ty Fintech vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các ngân hàng

"Ngân hàng thương mại buộc phải thay đổi, nếu không chắc chắn sẽ mất thị phần cung ứng dịch vụ tài chính. Cần phải có những sức ép như vậy, ngân hàng mới có động lực hoàn thiện và triển khai những dịch vụ tốt hơn đến với khách hàng", ông Minh nói. Tuy nhiên không phải lúc nào các công ty Fintech cũng cạnh tranh với ngân hàng mà ngược lại còn tương hỗ, bổ trợ cho các hoạt động ngân hàng để cùng hợp tác phát triển. Bởi lẽ, mỗi bên đều có thế mạnh riêng và cách tiếp cận riêng trong hướng đi của mình.

Về phía bản thân mỗi ngân hàng, trong xu hướng chuyển đổi số, trước tiên, cần tập trung đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ. Bởi lẽ thế mạnh của các công ty Fintech là tiếp cận, đón đầu xu hướng nhanh chóng và linh hoạt, do vậy ngân hàng bắt buộc phải đa dạng hóa về loại sản phẩm, về các kênh phân phối, về các phương tiện tiếp cận … Tiếp đó, cần tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm người dùng, đây là điều rất quan trọng, quyết định đến việc sản phẩm dịch vụ có được thị trường chấp nhận hay không.

Ví điện tử có cản trở hoạt động của ngân hàng?

Ví điện tử muốn tồn tại cần phải có hệ sinh thái hoàn chỉnh ứng dụng riêng biệt cho nó, do vậy ở thời điểm hiện tại, khi chưa có những tính năng đột phá thì khi ví điện tử hết khuyến mại, doanh nghiệp dừng đốt tiền, sẽ không có ai sử dụng nó nữa. Bởi những gì ví điện tử làm được như nạp thẻ điện thoại, thanh toán hóa đơn ... thì ngân hàng điện tử hiện nay cũng đáp ứng được.

Về đảm bảo an toàn cho dịch vụ ví điện tử, ông Minh cho biết Napas chỉ tham gia kiểm soát các hoạt động nạp/rút tiền qua hệ thống tới các ngân hàng. Đối với các hoạt động khác của ví điện tử không qua hệ thống của Napas thì các nhà cung ứng dịch vụ thanh toán sẽ phải cung cấp thông tin cho NHNN để quản lý các hoạt động đó.

Chia sẻ thêm về ví điện tử, tại buổi tọa đàm, ông Vũ Văn Long, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) cho biết, hiện nay DIV chưa thực hiện việc bảo hiểm cho ví điện tử vì thực tế đây là các khoản tiền gửi thanh toán hay các khoản tiền đặt cọc với tính chất không ổn định. Tuy nhiên, DIV cũng đang nghiên cứu để triển khai hoạt động bảo hiểm phù hợp khi các loại ví điện tử hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều.

Rõ ràng rằng, thanh toán dùng tiền mặt chắc chắn sẽ còn tồn tại trong thời gian dài nữa nhưng với sự phát triển của thanh toán điện tử và lợi ích mà hệ thống thanh toán điện tử mang lại thì trong tương lai với chi phí ngày càng giảm và độ bảo mật càng cao thì việc thanh toán bằng tiền mặt sẽ dần giảm bớt mà thay vào đó là thanh toán trực tuyến.

Nguồn: