Nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận kỷ lục trong 6 tháng, 1 nhà băng đã vượt kế hoạch cả năm

30/11/2024
Các ngân hàng đang công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, tiếp tục là những con số kỷ lục về lợi nhuận. Đáng chú ý, một số ngân hàng gần/đã hoàn thành mục tiêu cả năm chỉ sau 6 tháng. Những ngân hàng khác cũng có tiến độ nhanh hơn so với kế hoạch.

Ngân hàng Saigonbank công bố BCTC cho biết, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 136 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, ngân hàng chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay ở mức 130 tỷ đồng. Theo đó, mới chỉ qua 6 tháng nhưng ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch cả năm.

Gần hoàn thành kế hoạch năm thì có MSB với ước tính lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 2.800 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ và hoàn thành 85% mục tiêu cả năm (3.280 tỷ đồng).

Nhiều ngân hàng cũng đang có tiến độ nhanh hơn so với kế hoạch. Chẳng hạn tại SeABank, ngân hàng báo lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt gần 1.557 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm 2020, gần bằng mức lợi nhuận cả năm 2020 và hoàn thành 65% kế hoạch năm 2021 (2.400 tỷ đồng).

Tại VietBank, lợi nhuận quý 2 tăng vọt 3,5 lần so với cùng kỳ, đạt 202 tỷ đồng; lợi nhuận 6 tháng đầu năm theo đó đạt 326 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2020

ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4 của VietBank thông qua 2 kế hoạch kinh doanh năm 2021. Trong đó, kịch bản thứ nhất, nếu chỉ được tăng trưởng tín dụng 4,5%, lợi nhuận trước thuế ước đạt 390 tỷ đồng. Kịch bản thứ 2, nếu được tăng tín dụng 22%, lợi nhuận mục tiêu 1.100 tỷ đồng.

Như vậy, theo kịch bản thứ nhất, VietBank đã sắp về đích, gần hoàn thành kế hoạch cả năm (đạt 83%).

BCTC của PGBank cho biết, 2 quý đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 175 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 56% kế hoạch năm.

Các ngân hàng lớn cũng đã hoàn thành được hơn nửa mục tiêu đặt ra cho cả năm. Trong đó, MB lãi hợp nhất gần 8.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 56% so với cùng kỳ và hoàn thành được hơn 60% mục tiêu cả năm (13.200 tỷ đồng).

Vietcombank ước lãi trước thuế hơn 14.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận 25.580 tỷ đồng, như vậy đã hoàn thành được hơn 56% sau 6 tháng.

VietinBank đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay là 16.800 tỷ đồng. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm, ngân hàng ước lãi trước thuế khoảng 13.000 tỷ, tức hoàn thành 3/4 chặng đường cả năm.

Bất chấp dịch bệnh và giảm lãi suất cho vay, nhiều dự báo cho rằng các ngân hàng đủ khả năng để hoàn thành, thậm chí vượt kế hoạch cả năm. Bởi bên cạnh nguồn thu từ tín dụng, năm nay nhiều ngân hàng có thêm nguồn thu khác.

Chẳng hạn tại MSB, ngân hàng đã hoàn thành được 85% kế hoạch năm dù chưa ghi nhận khoản thu từ thỏa thuận hợp tác phân phối bảo hiểm trong 6 tháng đầu năm. VietinBank và Vietcombank đều đã ký kết thỏa thuận bancassurance và sẽ hạch toán dần khoản phí trả trước vào lợi nhuận.

Một số ngân hàng đã giải quyết được các khoản nợ xấu tồn đọng giai đoạn trước, tạo tiền đề để bứt phá mạnh năm nay. Như Kienlongbank nhờ bán xong cổ phiếu STB (tài sản đảm bảo của một số khoản nợ xấu) hồi đầu năm nên ghi nhận lợi nhuận quý 1 đạt tới hơn 700 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ và hoàn thành hơn 70% kế hoạch năm.

Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ cũng tăng trưởng tích cực khi các ngân hàng ghi nhận lượng giao dịch qua kênh internetbanking, mobile banking tăng vọt thời gian qua. 

Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số những năm qua, các nhà băng cũng dần hái quả ngọt. Dịch vụ ngân hàng số ngày càng tiện lợi, giúp khách hàng dễ dàng thực hiện chuyển tiền, thanh toán mọi lúc mọi nơi mà không cần đến ngân hàng. Theo đó, lượng tiền gửi không kỳ hạn tại nhiều ngân hàng tăng mạnh thời gian qua. Đây là nguồn tiền gửi có lãi suất thấp, giúp các nhà băng tiết giảm chi phí huy động vốn đầu vào.

Việc chuyển đổi số quy trình, nghiệp vụ cũng giúp nhà băng tiết kiệm được nhiều chi phí khác, đặc biệt là các chi phí thủ tục hành chính. Bởi vậy, thu nhập hoạt động tăng lên nhưng chi phí hoạt động của các ngân hàng chủ yếu đi ngang hoặc giảm.

Theo quy định của NHNN, các ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 đến hết năm nay. Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, nhờ chính sách này, các ngân hàng tạm thời chưa phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều, nên cũng giảm được chi phí, nếu trừ đi khoản này, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ giảm mạnh. Lợi nhuận ngân hàng đang được tạm tính trên cả các khoản dự thu của khách hàng. Nếu khách hàng không trả được nợ trong tương lai thì ngân hàng phải thoái thu, lúc đó sẽ không được ghi nhận vào lợi nhuận nữa.

Nguồn: