Nếu tính theo bước biến động chỉ qua một ngày, diễn biến cuối tuần qua của tỷ giá USD /VND cũng hiếm thấy trong những năm gần đây.
Cụ thể, trên thị trường liên ngân hàng, phiên 19/3, giá USD giao dịch giữa các thành viên có bước nhảy vọt tới hơn 110 VND. Mức tăng này ít khi thể hiện trong khuôn khổ một phiên.
Trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại, giá USD cũng tăng đột biến, từ khoảng 23.350 VND lên tới 23.570 VND trước khi có chỉnh nhẹ vào cuối tuần. Bước tăng tới khoảng 200 VND chỉ sau vài ngày cũng là hiếm thấy.
Diễn biến trên gợi nhớ lại đợt biến động mạnh của tỷ giá USD/VND hồi tháng 5 đến đầu tháng 6/2019. Khi đó, bối cảnh xung đột thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc trở nên nóng bỏng.
Tuy nhiên, từ cuối quý III/2019, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt nhanh chóng, thậm chí kết năm gần như trở về vạch xuất phát, rồi bình ổn cho đến giữa tháng 3 này.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch cúm Covid-19 lan ra toàn cầu, tạo ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thị trường tài chính, khiến nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá mạnh, thì VND cho đến trung tuần tháng này vẫn là đồng tiền ổn định hàng đầu khu vực và trên thế giới.
Nhưng, như trên, đợt biến động mạnh vừa diễn ra tuần qua đã phá vỡ “vùng cách ly” của tỷ giá USD/VND, một cách nói trong bối cảnh có ảnh hưởng của Covid-19.
Trước hết, điểm tác động đầu tiên đánh dấu vào ngày 17/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức giảm mạnh các lãi suất điều hành.
Lãi suất quan hệ mật thiết với tỷ giá, biến động có tính kết nối. Theo đó, đây có thể là một lý do mà Ngân hàng Nhà nước đã có thời gian cân nhắc đáng kể dù đã gợi mở là sẽ giảm lãi suất; chỉ đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ có lần giảm lãi suất thứ hai liên tiếp về gần 0% thì quyết định ngày 17/3 nói trên mới đưa ra nhanh chóng.
Lãi suất giảm mạnh, VND trở nên bớt hấp dẫn. Trong khi đó, đồng USD đã thực sự trở lại cuộc leo thang đáng chú ý nhất trong gần hai mươi năm qua. Và đây thêm một yếu tố cộng hưởng.
“Bối cảnh Covid-19” được nhìn đến. Trên thị trường toàn cầu, ảnh hưởng của dịch bệnh này thể hiện rõ khi đến lượt châu Âu và Mỹ bắt đầu “ngấm đòn”. Làn sóng bán tháo chứng khoán, và có thời điểm cả vàng cùng các tài sản khác, thể hiện mạnh mẽ, mà chỉ có giải pháp can thiệp bằng tạm ngừng hoặc đóng cửa thị trường mới có thể chặn lại được.
Nhu cầu thu hồi tiền mặt về thể hiện rõ. Mà ngay tại thị trường Việt Nam, chuỗi bán ròng “dội bom” tới gần 30 phiên liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài cũng là một thực tế gần gũi.
Và không chỉ riêng cá nhân/tổ chức đầu tư, nhu cầu bán tài sản để tăng lượng tiền mặt/ngân sách để xử lý các vấn đề kinh tế tại các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, hay trong cuộc chiến giá dầu đang diễn ra, cũng là điểm được chú ý, nhất là liên quan đến vàng.
Điểm đến thể hiện rõ: đồng USD lên giá liên tục, nhanh chóng nhảy vọt lên vùng 102 - 103 điểm, mức cao nhất kể từ cuối năm 2016 và cũng là đợt tăng cao diễn ra nhanh chóng đáng chú ý nhất kể từ cuối năm 2002 đến nay.
Đồng USD lên giá. Tỷ giá USD/VND một phần phản ánh diễn biến đó. Trên thị trường liên ngân hàng Việt Nam, lãi suất USD cũng có hơi hướng “bắt nhịp”. Ngay cả khi Fed vừa giảm lãi suất về gần 0, lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng tuần qua đã tăng lên rất mạnh. Điển hình như qua đêm, sau quyết định giảm lãi suất lần đầu của Fed, lãi suất USD liên ngân hàng từng rơi về 0,7%/năm thì cuối tuần qua đã vọt lên 1,2%/năm…
Trong những năm gần đây, đặc biệt từ 2012 đến nay, tỷ giá USD/VND tương đối ổn định, có “vùng cách ly” rõ rệt so với nhiều đồng tiền trong khu vực, khi VND liên tục là đồng tiền ổn định hàng đầu.
Nhưng trong quá khứ, tỷ giá USD/VND cũng rất nhạy cảm, thể hiện nhiều đợt biến động mạnh như với sự cố trên biển Đông, Brexit, bầu cử Tổng thống Mỹ, Nhân dân tệ phá giá kỷ lục…, và lần này có bối cảnh của Covid-19. Nhưng nhìn lại, sau các đợt biến động mạnh đó, tỷ giá USD/VND lại nhanh chóng cân bằng.
Lần này, “bối cảnh Covid-19” vẫn chưa bộc lộ hết; sau quyết định ngày 17/3 vừa qua, khả năng nới lỏng tiền tệ nối tiếp ở Việt Nam trở nên hạn chế. Còn với riêng tỷ giá USD/VND, vừa qua lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước một lần nữa khẳng định sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết.
Thực tế năm qua, khi tỷ giá USD/VND biến động mạnh, Ngân hàng Nhà nước cũng có đợt bán ròng khá lớn. Đây cũng chính là “điểm gián đoạn cần thiết”, tạo nên thế hai chiều trong can thiệp tỷ giá, khi phía Mỹ tìm hiểu Việt Nam có thao túng tiền tệ hay không, trong kỳ đánh giá công bố vừa qua.
Nguồn: