PGS. TS. Tô Trung Thành: Chính phủ cần kiên định không lạm dụng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế

29/12/2024
Chuyên gia cũng cho rằng, với nguồn lực ngân sách hạn hẹp, để đối phó với dịch bệnh COVID-19, Chính phủ cần dựa vào sự tham gia của toàn dân chứ không thể chỉ dựa vào nguồn lực của Chính phủ.

Dịch COVID-9 có thể sẽ còn kéo dài thêm vài tháng nữa hoặc hơn. Thời gian dịch bệnh càng kéo dài thì mức độ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế càng lớn. Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt và phối hợp chính sách một cách chủ động để duy trì tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, và đảm bảo được các nguồn lực tăng trưởng dài hạn.

Thứ nhất, việc mở rộng chính sách tiền tệ quy mô lớn sẽ có hiệu quả thấp do khả năng hấp thụ được dòng tín dụng mới là rất khó khăn, các doanh nghiệp đóng cửa sản xuất hay sản xuất cầm chừng không phải vì thiếu vốn mà vì cầu giảm sút nghiêm trọng, chuỗi sản xuất toàn cầu bị đình trệ, nên phản ứng của doanh nghiệp đối với chính sách là rất yếu trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, điều này còn có thể gia tăng rủi ro ổn định vĩ mô. Vì vậy, không nên lạm dụng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước chủ yếu đảm bảo và hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại để giúp các NHTM có thể hỗ trợ về điều kiện tín dụng, giảm lãi suất, hay cơ cấu lại thời hạn trả nợ.... cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì đại dịch, đặc biệt là các DN tư nhân và DN vừa và nhỏ.

Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp giă tăng được tính thanh khoản – điểm mấu chốt giúp các doanh nghiệp trụ lại được trong giai đoạn khó khăn này.

Bên cạnh đó, cần tháo gỡ quyết liệt những rào cản tiếp cận vốn của các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ; ví dụ như minh bạch hóa các quy định liên quan đến cấp tín dụng gồm điều kiện, thủ tục và quy trình cấp tín dụng; xem xét bổ sung danh mục tài sản được chấp nhận làm TSĐB, tăng tỷ lệ cho vay so với TSĐB; mở rộng hình thức cho vay tín chấp thông qua việc chấp nhận sử dụng tài sản vô hình và nhãn hiệu thương mại của DN để đảm bảo cho các khoản vay; cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.

Cần lưu ý, Chính phủ hỗ trợ và khuyến khích các TCTD chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, chứ không nên là chính sách kích thích kinh tế và hỗ trợ lãi suất quy mô lớn như năm 2009. Cần lưu ý, hiện nay, tỷ lệ cung tiền/GDP của Việt Nam đang ở mức cao nhất khu vực, cung tiền M2/GDP gia tăng liên tục từ năm 2011 và đến năm 2019 ở mức gần 160% (cao nhất khu vực ASEAN); đồng thời dư nợ tín dụng/GDP cũng tăng dần qua các năm và đã đạt tới 134% trong năm 2019. Vì vậy, việc gia tăng mạnh cung tiền và tín dụng mới có thể có rủi ro về lạm phát. Cần kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn.

Thứ hai, thay vì tập trung vào chính sách tiền tệ, chính phủ cần tập trung hơn vào chính sách tài khóa chủ động, giúp cho các doanh nghiệp giảm được các gánh nặng chi phí, từ đó chống đỡ tốt hơn trong đại dịch. Nên tập trung áp dụng một số chính sách miễn giảm thuế phí, phí; giãn thuế VAT, thuế TNDN, BHXH cho các DN phải ngưng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng do dịch COVID-19. Hiện nay các chi phí liên quan đến lương như BHXH đang là một gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp, nên không những giãn đóng BHXH mà cần cân nhắc để miễn hoặc giảm đóng BHXH cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19. Chính phủ cũng cần có những cải cách chính sách thuế theo hướng giảm mạnh suất thuế TNDN cho doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để cải cách tài khóa một cách toàn diện theo hướng bền vững và hỗ trợ tăng trưởng - giảm bớt gánh nặng thuế khóa, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và cân bằng phải được coi là quan điểm chủ đạo.

Trong bối cảnh các nguồn lực tư nhân và FDI đều bị giảm sút do dịch COVID-19, thì vai trò vốn từ ngân sách Nhà nước trở nên quan trọng và cần được tăng cường. Hiện nay, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ đã diễn ra trong vài năm qua phản ánh những bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công; thể chế pháp luật về đầu tư công chưa thực sự đồng bộ, thống nhất, và hoàn thiện; dẫn đến tình trạng khó khăn và vướng mắc trong quá trình triển khai và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là về đất đai, thủ tục hành chính. Đây chính là những điểm nghẽn cần phải giải quyết để khai thông nhanh dòng vốn này.

Thứ ba, để duy trì được tổng cầu của nền kinh tế, không để suy giảm mạnh và xoáy sâu vào suy thoái, Chính phủ phải chủ động củng cố và gia tăng chi tiêu cho an sinh xã hội; tăng trợ cấp thất nghiệp, kéo dài thời hạn nhận bảo hiểm thất nghiệp, và giải quyết các thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp nhanh chóng; giảm thuế cho nhóm thu nhập thấp; nâng mức khởi điểm thuế Thu nhập cá nhân; hỗ trợ nhóm người dễ bị tổn thương (lao động trình độ thấp, lao động khu vực phi chính thức, khu vực doanh nghiệp nhở và vừa,...)

Thứ tư, với nguồn lực ngân sách hạn hẹp hiện nay, để có đủ nguồn lực vừa để đối phó với dịch bệnh COVID-19, vừa phải thực thi các gói hỗ trợ kích thích kinh tế, vừa phải duy trì những nguồn lực tăng trưởng dài hạn, Chính phủ cần dựa vào sự tham gia của toàn dân chứ không thể chỉ dựa vào nguồn lực của Chính phủ. Vì vậy, khuyến khích các hoạt động xã hội hóa, đóng góp của doanh nghiệp và người dân chung tay chi phí cho dịch bệnh là rất cần thiết hiện nay.

Thứ năm, đối với doanh nghiệp, cần chủ động chuẩn bị và sẵn sàng các giải pháp chống đỡ có hiệu quả đối với những tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Đây cũng là cơ hội để tự cải cách cấu trúc doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sán xuất, tìm kiếm các thị trường mới.... Doanh nghiệp cần đảm bảo thanh khoản đủ để chống đỡ qua đợt dịch. Cần kiểm tra và lên phương án tài chính, các dòng tiền, cân đối tài chính .... cho nhiều kịch bản khác nhau để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp ổn định. Doanh nghiệp cũng cần kiểm tra, giám sát và phát triển các chuỗi cung ứng sản xuất để đảm bảo sản xuất thông suốt. Cần tái cấu trúc, điều chỉnh cũng như tìm kiếm các nguồn cung ứng mới đảm bảo yếu tố linh hoạt và khả năng tự phục hồi. Doanh nghiệp cũng cần nắm bắt được xu thế của thị trường để đáp ứng được nhu cầu của người mua; đầu tư vào khách hàng mục tiêu và dự đoán hành vi để đáp ứng; tìm các phương cách marketimg và bán hàng mới để đáp ứng nhu cầu của người mua. Đồng thời tìm kiếm thêm thị trường mới để thay thế và hồi phục sản xuất.

*Chi tiết về tác động của dịch COVID-19 và các khuyến nghị chính sách được trình bày ở Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt nam thường niên 2019 của trường Đại học Kinh tế Quốc dân.


Nguồn: