Cụ thể, ở hoạt động đấu thầu cho vay qua kênh cầm cố trên thị trường mở (OMO), phiên 25/11 ghi nhận đã có thành viên đầu tiên tiếp cận nguồn hỗ trợ lớn từ Ngân hàng Nhà nước.
Giao dịch này có quy mô 4.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4,5%/năm.
Như vậy, hướng hỗ trợ nguồn qua giao dịch trên là sự tiếp nối xu hướng thanh khoản hệ thống có dấu hiệu căng lên thể hiện trong tuần qua: lãi suất VND liên tiếp tăng mạnh và lên mức cao trên thị trường liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã ngừng hút bớt tiền về qua ngừng phát hành tín phiếu và bơm ròng khá mạnh trở lại.
Chỉ với giao dịch đầu tiên này, cũng như mới chỉ duy nhất 1 thành viên tiếp cận kênh hỗ trợ vốn qua OMO hôm nay, nên chưa thể nói trước xu hướng mở rộng. Tuy nhiên, với việc lãi suất VND qua đêm tăng gần gấp đôi chỉ sau một tuần, cùng hoạt động bơm ròng khá lớn của Ngân hàng Nhà nước vừa qua cho thấy thanh khoản hệ thống không còn quá dồi dào như trước.
Một mặt, thị trường và hoạt động ngân hàng nói chung bắt đầu bước vào mùa cao điểm thanh toán, chi trả cuối năm, nhu cầu vốn tăng cao. Tại thời điểm này năm ngoái Ngân hàng Nhà nước đã phải hỗ trợ bằng cho vay bổ sung khoảng 60.000 tỷ đồng.
Mặt khác, theo phân tích của lãnh đạo một ngân hàng thương mại khi trao đổi với BizLIVE, sau khi nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước kết chuyển về Ngân hàng Nhà nước thay vì đọng lại ở các ngân hàng lớn như trước, thanh khoản và yếu tố nguồn của hệ thống tạm vắng một nguồn để điều hòa.
Theo đó, nguồn tiền kết chuyển về Ngân hàng Nhà nước, thì đầu mối này sẽ thể hiện và phát huy hơn nữa vai trò điều tiết của mình. Ở kênh hỗ trợ, theo truyền thống và hiện tại, kênh dẫn nguồn chủ yếu vẫn là qua OMO.
“Để điều tiết hiệu quả hơn, tôi thấy có lẽ các ngân hàng cũng đang kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất OMO xuống, sau khi hạ trần lãi suất tiền gửi và nhiều thành viên giảm lãi suất cho vay vừa qua…”, đại diện ngân hàng trên nói với BizLIVE.
Lãi suất OMO từng được duy trì ở mức 5% kéo dài trong 5 năm giai đoạn trước. Đến tháng 1/2018 Ngân hàng Nhà nước mới lần đầu tiên giảm xuống 4,75%/năm, và lần tiếp theo vào 16/9 vừa qua xuống 4,5%/năm.
Đây được xem là một lãi suất chốt chặn trên thị trường liên ngân hàng. Vì khi các ngân hàng khó vay vốn bù đắp thanh khoản ở liên ngân hàng mà khiến lãi suất tăng cao, họ có thể tìm đến Ngân hàng Nhà nước vay với mức 4,5%/năm như hiện nay để chủ động chi phí.
Với đợt giảm lãi suất OMO hồi tháng 9 vừa qua, giá trị giúp giảm thiểu chi phí đối với các ngân hàng khi tiếp cận kênh này bắt đầu thể hiện, nhất là khi bắt đầu phát sinh giao dịch và bước vào mùa cao điểm cuối năm.
Và như ý kiến trên, kỳ vọng mới đặt ra, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét giảm thêm lãi suất này, như một sự hỗ trợ về chi phí nguồn, góp phần cùng loạt chính sách vừa qua bình ổn lãi suất trên thị trường, trong đó có lãi suất cho vay.
Nguồn: