Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 10/6, trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội hội đã nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, những năm qua, hiệu quả hoạt động của Agribank đã có những cải thiện rất rõ nét, vốn chủ sở hữu được bảo toàn và tăng trưởng hàng năm. Nợ xấu được kiểm soát, lợi nhuận liên tục tăng trưởng cao và tăng nộp ngân sách của Nhà nước.
Tính đến 31/12/2019 tổng tài sản của Agribank là 1.451.000 tỷ và bình quân giai đoạn 2014-2019 tăng trưởng khoảng 13,7%/năm; tổng nguồn vốn đạt 1.351.000 tỷ và tăng trưởng cho giai đoạn 2014-2019 bình quân là 14%/năm.
Về hoạt động tín dụng đến cuối năm 2019 dư nợ cho vay đạt 1.150.000 tỷ và dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt trên 782.000 tỷ và tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn bình quân giai đoạn 2014-2019 duy trì khoảng 70% so với tổng dư nợ của ngân hàng này. Đặc biệt, dư nợ tín dụng của Agribank chiếm xấp xỉ 50% tổng dư nợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn của toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Chất lượng tài sản cũng được kiểm soát. Nợ xấu năm 2019 là 1,52%. Giai đoạn năm 2018 lợi nhuận sau thuế đạt khoảng trên 6.000 tỷ và năm 2019 đạt khoảng 11.000 tỷ và nộp ngân sách nhà nước đầy đủ, đã nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2014-2019 là 14.300 tỷ đồng.
Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, liên quan đến cơ sở pháp lý, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, Agribank là doanh nghiệp 100% vốn thuộc sở hữu của Nhà nước và việc Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69); Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn luật cũng như Nghị định số 91 của Chính phủ. Căn cứ các quy định trên, xác định Agribank thuộc đối tượng được nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội quy định là "không dùng ngân sách nhà nước để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại", do vậy việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ ngân sách nhà nước thì Chính phủ phải báo cáo Quốc hội. Sau khi Quốc hội xem xét, có chủ trương thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành hữu quan thực hiện các trình tự, thủ tục tăng vốn theo quy định của Luật số 69 cũng như Nghị định số 91 của Chính phủ có các quy định cụ thể.
Liên quan đến ý kiến về việc tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25/2016/QH14, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính cũng như Ngân hàng nhà nước, các bộ, ngành liên quan để tiến hành xem xét, đánh giá lại. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm rõ, ngay từ đầu nhiệm kỳ xác định chủ trương không dùng ngân sách nhà nước để tăng vốn cho ngân hàng nhưng rõ ràng đối với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước khác, và ở đây Agribank là ngân hàng duy nhất còn lại nhà nước sở hữu 100% vốn, trong quá trình cổ phần hóa gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định nên cần thiết phải có nguồn vốn ngân sách nhà nước để tăng.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, trong thời gian tới, khi cân đối lại và bố trí kế hoạch ngân sách cho giai đoạn 5 năm 2021-2025 thì Chính phủ cũng sẽ phải báo cáo Quốc hội để có những quyết định phù hợp liên quan đến việc sử dụng ngân sách.
Báo cáo làm rõ vấn đề về tính cấp bách của việc tăng vốn, tác động đến ngân sách nhà nước và thời điểm tăng vốn có phù hợp hay không, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nêu rõ, Chính phủ đã chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo Agribank triển khai đồng bộ rất nhiều giải pháp để tăng vốn, cải thiện hệ số an toàn, cơ cấu lại tài sản theo hướng kiểm soát tốc độ tăng trưởng các tài sản rủi ro, tăng dần các tỷ trọng các tài sản có độ an toàn cao cũng như thoái các khoản đầu tư góp vốn không hiệu quả và bổ sung nguồn vốn tối đa từ phát hành trái phiếu.
Mặc dù triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay Agribank vẫn cần phải có các giải pháp của nhà nước để đầu tư bổ sung vốn điều lệ trong năm 2020, đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn theo quy định và đảm bảo an toàn hoạt động cũng như đảm bảo khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Trong nhiều năm qua, Agribank chưa được nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ. Tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản khiến tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp bị suy giảm. Để đáp ứng được tiêu chuẩn đòi hỏi nhu cầu phải tăng vốn rất lớn. Nếu không được tăng vốn thì Agribank chỉ có thể tăng trưởng dư nợ khoảng 4,5% cho cả năm 2020. Như vậy, nhu cầu vốn cho nông nghiệp, nông thôn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh, dự kiến Agribank phải dành 100.000 tỷ để hỗ trợ sản xuất cho khu vực nông nghiệp, nông thôn bị ảnh hưởng.
Về tác động đến ngân sách nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hững cũng cho biết, trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, nguồn quỹ hỗ trợ sắp xếp phát triển doanh nghiệp không có khả năng bố trí, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp đánh giá rất chặt chẽ, rà soát, bàn bạc kỹ các phương án sử dụng ngân sách nhà nước để cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank trong năm 2020. Do đó Chính phủ thống nhất bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận thực nộp ngân sách nhà nước của Agribank năm 2020 tối đa không quá 3.500 tỷ nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước năm 2020 đã được Quốc hội thông qua.
Ngoài ra, Thống đốc cũng bày tỏ tán thành với ý kiến của các đại biểu về việc yêu cầu Agribank cơ cấu lại, chấn chỉnh, giảm việc phát triển mạng lưới ở các điểm, chi nhánh, các trụ sở lớn ở các thành phố và tập trung mở rộng mạng lưới về khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là những khu vực chưa có mạng lưới nhiều các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng có vốn Nhà nước.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cam kết, trong quá trình triển khai việc cơ cấu lại cũng như tăng cường hoạt động của Agribank, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo ưu tiên việc mở rộng mạng lưới, đi kèm đó là Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để gắn kết hoạt động cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng với các chương trình tín dụng và các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của Bộ Nông nghiệp./.
Nguồn: