Kết quả khảo sát của Reuters ở các chiến lược gia tiền tệ và các nhà phân tích ngoại hối cho thấy, vào quý IV/2021, trong khi một số loại tiền tiếp tục chịu áp lực lớn thì nhiều đồng tiền của những nền kinh tế mới nổi có thể sẽ tăng mạnh mẽ trở lại, như những năm trước, nhất là các đồng rand Nam Phi, đồng rúp Nga và đồng baht Thái Lan. Điều này diễn ra bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến sẽ giảm dần chương trình mua trái phiếu Chính phủ - hiện ở mức 120 tỷ đô la mỗi tháng - vào cuối năm nay, và lãi suất có thể sẽ được điều chỉnh tăng vào cuối năm tới, những yếu tố đã giúp lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD tăng lên.
Jonny Goulden, chiến lược gia thị trường mới nổi thuộc JPMorgan, cho biết: "Lạm phát kéo dài ở những nền kinh tế mới nổi đang buộc các ngân hàng trung ương của những nước này phải có phản ứng, và trong khi áp lực đối với tiền tệ của những nền kinh tế mới nổi đang ngày càng tăng thì lãi suất thực đang được điều chỉnh đi vào vùng dương".
Kết quả cuộc khảo sát do Reuters tiến hành trong khoảng thời gian từ 1- 6/10/2021 cho thấy dự báo đồng rand Nam Phi (ZAR) và peso Mexico (MXN) sẽ tăng khoảng 3% trong sáu tháng tới, lên lần lượt 14,90 ZAR/USD và 20,225 MXN/USD, trong khi rúp Nga (RUB) sẽ tăng hơn 2% lên 71,52 RUB/USD.
Các loại tiền tệ chính của nhóm các nền kinh tế mới nổi có sự ổn định tuông đối ngay cả khi đồng đô la Mỹ mạnh lên xuất phát từ thực tế là nhiều ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất chủ chốt.
"Các yếu tố vĩ mô cơ bản của các nền kinh tế mới nổi nhìn chung lành mạnh hơn - đặc biệt là vùng đệm tỷ giá thực trước đây đã được xây dựng lại trên cơ sở rộng rãi sau các đợt tăng lãi suất ở khắp các nền kinh tế mới nổi trong sáu tháng qua", Ian Tomb, nhà kinh tế chuyên về thị trường mới nổi thuộc Goldman Sachs cho biết.
Khảo sát của Reuters: Dự báo tỷ giá một số cặp tiền tệ quan trọng trong nhóm các nền kinh tế mới nổi.
"Bất chấp việc Trung Quốc đang tăng chậm lại, giá hàng hóa vẫn phù hợp với nhiều nhà xuất khẩu thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi. Ở các thị trường trong nước của các nền kinh tế này, không xảy ra tình trạng dòng vốn chảy vào hoặc chảy ra quá ồ ạt", ông Tomb cho biết khi đề cập đến việc lần gần đây nhất Fed cắt giảm chương trình mua trái phiếu là vào năm 2013.
Nhân dân tệ của Trung Quốc là một trong số ít các loại tiền tệ dự báo sẽ kết thúc quý III tăng mạnh mẽ. Các loại tiền tệ của thị trường mới nổi khác đã kết thúc quý vừa qua giảm, trong đó đồng rand giảm liên tiếp 9 quý.
Đồng nhân dân tệ trong tuần qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng. Dự báo đồng tiền này sẽ được giao dịch ở mức tương đối ổn định trong tháng 12, bất chấp những lo ngại ngày càng tăng về nền kinh tế và những khoản nợ ngân hàng khổng lồ, trong bối cảnh hãng phát triển bất động sản China Evergrande Group đang quay cuồng với khoản nợ hơn hơn 300 tỷ USD và đối mặt với một đợt tái cơ cấu nợ lớn nhất từ trước đến nay tại nước này.
Các cơ quan chức năng Trung Quốc đang thắt chặt việc kiểm soát thị trường tiền tệ, gây áp lực buộc các ngân hàng phải giảm giao dịch và thu hẹp phạm phi giao dịch, một trong những nỗ lực sâu rộng nhằm hạn chế đầu cơ. Điều đó cho thấy Chính phủ nước này có thể sẽ còn tiếp tục can thiệp nhiều hơn nữa.
Michael Every, chiến lược gia toàn cầu thuộc Rabobank cho biết: "CNY tiếp tục phản ánh tất cả những điều này – giống như phản ánh chính trị hơn là kinh tế vĩ mô hoặc tài chính".
Các loại tiền tệ khác trong nhóm các nền kinh tế mới nổi được thả nổi tự do có thể hoạt động ổn định hơn trong thời gian tới, khả năng sẽ không giảm giá nhiều thêm nữa, sau khi đã giảm mạnh từ đầu năm đến nay.
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ, đã giảm 16% trong năm nay sau khi giảm 20% vào năm 2020, là đồng tiền hàng đầu trong số năm đồng tiền dễ bị bán tháo nhất, tiếp theo là đồng real Brazil, đồng Rupiah Indonesia, đồng Baht Thái Lan và đồng peso của Philippines.
Đồng lira dự kiến sẽ giảm gần 5% xuống 9.250 lira/đô la Mỹ trong sáu tháng. Ngân hàng trung ương nước này đã đi ngược xu hướng toàn cầu khi cắt giảm lãi suất.
Đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi bức tranh của các nền kinh tế mới nổi. Các quốc gia này không còn tạo thành một nhóm đồng nhất về tốc độ tăng trưởng do khoảng cách ngày càng bị nới rộng. Suy thoái kinh tế được kiềm chế ở châu Á, song lại được thể hiện rất rõ ở Nam Mỹ. Mặc dù tăng trưởng ở châu Phi nhìn chung cao hơn so với phần còn lại của thế giới trong giai đoạn trước đại dịch (3,6% so với 2,7% vào năm 2019), nhưng thành quả này đã rơi về dưới mức trung bình toàn cầu kể từ khi đại dịch bắt đầu. Cuộc khủng hoảng cũng làm tăng gánh nợ của các quốc gia mới nổi vào ở đúng thời điểm các nước cần phục hồi kinh tế hơn bao giờ hết. Tầng lớp trung lưu, một chỉ số khác chỉ sự phát triển ở các nước mới nổi, cũng bị thu hẹp với cuộc sống của hàng triệu gia đình đang rơi xuống dưới mức nghèo khổ.
Tham khảo: Refinitiv
Nguồn: