Trong dòng chảy liên tục của kinh tế tài chính Việt Nam, ngoài những trung gian tài chính là các ngân hàng trong nước, không thể bỏ qua sự góp mặt của nhóm những ngân hàng nước ngoài. Những ngân hàng với 100% vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đều xuất phát từ những tập đoàn lớn mạnh, uy tín hàng đầu. Vậy trong môi trường kinh doanh như Việt Nam cùng với sự hậu thuẫn của tổ chức mẹ, khi cạnh tranh với các ngân hàng nội, kết quả kinh doanh của các ngân hàng ngoại lãi hay lỗ và có được như mong đợi?
Hiện nay, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam gồm có HSBC (Anh), ANZ (Australia), Standard Chartered (Anh), Shinhan Bank (Hàn Quốc), HongLeong Bank (Malaysia), Public Bank (Malaysia), Woori Bank (Hàn Quốc), CIMB Bank (Malaysia) và UOB (Singapore).
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng nhà nước cho thấy, tính đến hết tháng 4/2019, tổng tài sản của các ngân hàng liên doanh, nước ngoài đạt 1.124.962 tỷ đồng, vốn tự có đạt 177.037 tỷ đồng, vốn điều lệ là 116.619 tỷ đồng. So sánh với thời điểm cuối năm 2018, tốc độ tăng trưởng của tổng tài sản giảm 1,03% còn vốn tự có và vốn điều lệ tăng lần lượt 8,7% và 2,76%.
Về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài đang dẫn đầu thị trường với tỷ lệ 25,9%, cao gấp 2,5 lần nhóm NHTM Nhà nước (9,61%) và cũng gấp hơn 2 lần so với nhóm NHTM Cổ phần (11,1%).
Ngân hàng Nhà nước chưa có cập nhật mới nhất về kết quả hoạt động của các tổ chức tín dụng nước ngoài, song một số liệu được thống kê đến cuối quý 3/2018 cho thấy tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của nhóm này đạt 0,88%, cao hơn so với NHTM Nhà nước (0,52%) và NHTM Cổ phần (0,76%).
Còn tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài chỉ đạt mức 5,7%, thấp hơn khá nhiều khi so sánh với NHTM Nhà nước (10,21%) và NHTM Cổ phần (9,88%). Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, sở dĩ ROE của nhóm ngân hàng ngoại thấp như vậy là vì dịch vụ của họ có lợi thế vượt trội, phát triển mạnh hơn tín dụng nhưng thu nhập từ dịch vụ lại ít hơn nhiều so với tín dụng.
Dẫu vậy, đối chiếu với cùng kỳ năm 2017, các chỉ số sinh lời của nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài đều có xu hướng tăng nhẹ.
Về kết quả hoạt động, trong khi các ngân hàng nội đã đăng tải các báo cáo tài chính rộng rãi, thì nhóm các ngân hàng ngoại lại rất kín tiếng và chỉ báo cáo hàng năm với cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước. Cập nhật đến thời điểm đầu tháng 10, chỉ có HSBC và ANZ là 2 nhà băng hiếm hoi công bố báo cáo tài chính bán niên 2019, song chỉ là báo cáo tóm tắt mà không có phần thuyết minh.
Với mức tăng 4,78% so với cùng kỳ năm 2018, tổng tài sản HSBC Việt Nam tính tới ngày 30/06/2019 đạt gần 113 nghìn tỷ đồng, gấp 4,3 lần so với ANZ là 26 nghìn tỷ. Vốn điều lệ của 2 ngân hàng này vẫn được giữ ổn định, lần lượt là 7.528 tỷ và 3.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2019 của HSBC Việt Nam đạt trên 1.600 tỷ, tăng 13,07% so với 6 tháng đầu 2018; trong đó nguồn thu chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng, thu nhập lãi đóng góp 68% tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng, thu nhập từ hoạt động dịch vụ chiếm khoảng 20%. Với con số lợi nhuận này, HSBC đã gia nhập "câu lạc bộ" ngân hàng lãi nghìn tỷ với lợi nhuận xấp xỉ một số ngân hàng nội lớn như TPBank, SHB và Sacombank.
Tương tự, ANZ cũng có 2 quý đầu năm hoạt động hiệu quả khi ghi nhận mức tăng đột biến của lợi nhuận trước thuế, khoảng 181,4 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước, thu nhập từ lãi chiếm tới hơn 75% tổng thu nhập. Đáng chú ý, ANZ tiếp tục gia tăng tỷ lệ an toàn vốn CAR, ở mức cao là 21,08%, HSBC thấp hơn với 14%.
Như vậy có thể thấy, dù với mạng lưới hiện nay không nhiều như các nhà băng trong nước nhưng các ngân hàng nước ngoài này vẫn đang tiếp tục lớn mạnh và dần khẳng định được vị thế của mình trên thị trường tài chính Việt Nam. Với các thế mạnh về danh tiếng, kinh nghiệm quản trị, quy mô tài chính và chất lượng dịch vụ sẽ tạo áp lực không nhỏ cho các ngân hàng nội.
Nguồn: