Lâu nay, tình trạng quá tải, mất nhiều thời gian xếp hàng chờ đợi thanh toán chi phí khám, chữa bệnh luôn là vấn đề bức xúc tại các bệnh viện. Trong khi đó, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh ở nước ta vẫn chủ yếu là thu tiền mặt.
"Ôm" tiền đi đóng viện phí, thói quen khó bỏ
Hiện nay, một số bệnh viện đã bắt đầu áp dụng triển khai thanh toán điện tử nhưng chưa đạt được hiệu quả cao do chưa có tính đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.
Là một bệnh viện đa khoa lớn ở khu vực phía Bắc, từ năm 2013, Bệnh viện Bạch Mai đã bắt đầu áp dụng thí điểm thanh toán viện phí qua thẻ ATM tại khu khám dịch vụ thuộc Khoa Khám bệnh.
Với hình thức này, người bệnh được được ngân hàng mở tài khoản miễn phí và đăng ký thẻ khám bệnh. Số tiền này sẽ được trừ dần trong quá trình khám chữa bệnh để tránh tình trạng bệnh nhân phải đi nộp tiền nhiều lần.
Đại diện Phòng Tài chính - Kế toán (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện bệnh viện đang áp dụng 2 phương thức thanh toán viện phí chính là thanh toán tiền mặt - quẹt thẻ dành cho bệnh nhân khám bệnh thông thường và thanh toán qua thẻ điện tử ATM cho bệnh nhân khám bệnh theo yêu cầu.
Tuy nhiên, do lượng bệnh nhân đến thăm khám đông, nhất là từ các tuyến dưới chuyển lên, nhiều người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa…vẫn chưa quen với việc sử dụng thẻ khám chữa bệnh, nên trong quá trình triển khai vẫn còn những bất cập.
Đưa người nhà đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai, anh Nguyễn Hoàng Minh (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ ủng hộ chủ trương thu viện phí không tiền mặt, việc thanh toán qua thẻ ATM là rất văn minh. Tuy nhiên, bệnh viện cần có thêm các phương thức thanh toán linh hoạt hơn, chẳng hạn như sử dụng phương thức thanh toán qua máy POS. Khi đó, người bệnh có thẻ của ngân hàng nào cũng có thể thánh toán được giống như các cửa hàng, siêu thị.
Ngồi chờ khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, chị Đỗ Thị Hòa (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khi được hỏi phàn nàn rằng, đúng là thanh toán viện phí qua thẻ có tiện lợi, người đi khám bệnh như chị đỡ phải chờ đợi quá lâu, nhưng không phủ nhận vẫn còn những phiền hà và chưa thực sự tiện ích lắm.
"Nếu đã thanh toán qua thẻ thì nên chăng cho quẹt thẻ ở tất cả hệ thống bệnh viện, đằng này chỗ trả bằng thẻ chỗ thì không, như vậy là vẫn phải dùng tiền mặt. Bất tiện nhất là chúng tôi không thể dùng thẻ ngân hàng khác để thanh toán nếu như không có liên kết với bệnh viện. Tôi nghĩ không nên phân biệt các loại thẻ như vậy", chị Hòa chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài Bệnh viện Bạch Mai, một số bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội cũng đã bắt đầu áp dụng thí điểm thanh toán viện phí không dùng tiền mặt như: Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội...Từ tháng 9/2018, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cũng đã áp dụng thí điểm giải pháp thanh toán viện phí bằng thẻ bảo lãnh viện phí tại Khoa Điều trị.
Mặc dù vậy, theo khảo sát của phóng viên, rất nhiều bệnh nhân khi được hỏi vẫn cho rằng, họ đã quen với việc thanh toán bằng tiền mặt, dù biết là mang theo một khoản tiền lớn họ có thể gặp những rủi ro như mất mát tiền khi đi lại tàu xe trên đường và trong quá trình nằm điều trị.
Đa dạng các phương thức thanh toán
Theo Nghị quyết số 02/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu 100% trường học, bệnh viện trên địa bàn đô thị phải triển khai các giải pháp thu học phí, viện phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trước tháng 12/2019, ưu tiên thanh toán trên thiết bị di động, máy POS.
Chia sẻ về tình hình thu phí khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế hiện nay, ông Trần Qúy Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, qua trực tiếp quan sát nhận thấy, chỉ tính riêng thời gian chờ đợi, xếp hàng để nộp tiền chi phí xét nghiệm, chi trả các hoạt động cận lâm sàng đã mất khoảng 30 phút, nếu đông bệnh nhân có lẽ còn lâu hơn.
Do đó, theo ông, việc áp dụng thanh toán điện tử trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh là hết sức cần thiết. Nếu triển khai thành công sẽ giúp giảm quá tải xếp hàng trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người dân rút ngắn được thời gian khám.
Theo thống kê của ngành y tế, hiện nay có khoảng hơn 30 bệnh viện đã triển khai các giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Trong đó, bệnh viện Trường Đại học Y dược Tp.HCM là một trong những đơn vị tiên phong. Tại đây, bệnh nhân chỉ cần quét mã QR (Quick Response) trên phiếu thanh toán bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với bệnh viện, ngay lập tức có kết quả phản hồi mà không cần phải xếp hàng đợi hay đến bệnh viện khám phải mang theo tiền mặt.
Đến nay, có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng QR code tại bệnh viện, giúp người bệnh thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động, thậm chí có thể nhờ người thân thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ xa.
Hiện, số bệnh nhân thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt chiếm 35% trên tổng số giao dịch thanh toán chi phí khám, chữa bệnh của bệnh viện.
Tuy nhiên, như những băn khoăn của người dân đã đề cập phía trên, chia sẻ với phóng viên ông Tường thừa nhận một trong những khó khăn lớn khi triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại các bệnh viện là nhiều người dân đến khám chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt.
Việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, ngay cả các bệnh viện vẫn chưa có nhiều giải pháp, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Vì vậy mà tỷ lệ các bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt hiện còn thấp.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết, trên thực tế đơn vị này hiện có thể cung cấp cả các dịch vụ thanh toán, giải pháp thanh toán trực tiếp cho các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh cũng như hạ tầng dịch vụ thanh toán cho ngân hàng để các ngân hàng sẽ cung cấp cho bệnh viện.
Cụ thể, với giải pháp cổng thanh toán triển khai cho các bệnh viện, người bệnh có thể nộp tiền, nạp tiền tạm ứng viện phí khi khám chữa bệnh. Trong khi đó, dịch vụ chuyển tiền điện tử liên ngân hàng (IBFT) sẽ giúp người bệnh chuyển khoản trực tiếp đến tài khoản của bệnh viện.
Ngoài ra, với dịch vụ chuyển mạch POS, người bệnh có thể thanh toán bằng quẹt thẻ ATM/thẻ tín dụng trên các thiết bị POS của các ngân hàng đặt tại bệnh viện. Hình thức này có thể áp dụng được cho các giao dịch thanh toán viện phí và tạm ứng viện phí.
Bên cạnh đó, đối với bệnh nhân nội trú, giải pháp cổng thanh toán của Napas có thể cho phép người bệnh/người nhà bệnh nhận nộp tiền tạm ứng viện phí cho bệnh viện theo các mã khám bệnh/mã bệnh nhân trong hệ thống quản lý bệnh viện. Còn với bệnh nhân ngoại trú thì có thể áp dụng một vài giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt như POS hoặc QR.
Tiện ích là thế, song Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) Trần Qúy Tường khẳng định lần nữa việc triển khai sẽ còn nhiều khó khăn. Dù vậy, ông cho rằng, việc đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt ưu tiên tại các đô thị theo quy định của Chính phủ là hợp lý. "Chúng ta sẽ phải từng bước vừa làm, vừa rút kinh nghiệm rồi nhân rộng ra các vùng sâu, vùng xa".
Hiện, Bộ Y tế đang tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện thanh toán các chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, trong đó yêu cầu các cơ sở y tế triển khai nhiều giải pháp để người dân dễ dàng và thuận lợi thanh toán.
Trong đó, với hình thức thanh toán bằng chuyển khoản, phải công bố công khai số tài khoản, hướng dẫn nội dung chuyển tiền để người dân có thể chuyển tiền thanh toán chi phí dịch vụ y tế. Đặc biệt sẽ ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.
Đối với triển khai hình thức thanh toán thông qua QR Code, khi triển khai cần lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán đáp ứng theo tiêu chuẩn cơ sở TCVN 03:2018 của Ngân hàng Nhà nước ban hành và chuẩn cấu trúc thông tin QR Code y tế do Bộ Y tế quy định.
Với người dân không có thẻ, không có tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế phải phối hợp với ngân hàng triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện, dễ dàng và phù hợp với điều kiện của người dân.
"Chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ từ nhân dân về thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. Đây là bước tiến bộ, hiện đại và người dân chắc chắn được thụ hưởng dịch vụ tốt nhất", lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin bày tỏ.
Nguồn: