Thị trường vàng không dậy sóng, vì sao?

25/11/2024
Chính sách quản lý thị trường vàng hiệu quả, chi phí đầu tư lướt sóng mặt hàng này trở nên đắt đỏ hơn khiến giá vàng dù tăng mạnh nhưng vẫn không còn hấp dẫn.

Ngày 12-7, giá vàng trong nước được giao dịch ở mức 38,95 triệu đồng/lượng mua vào, 39,18 triệu đồng/lượng bán ra. Trong 1 tháng, giá vàng SJC tăng hơn 3 triệu đồng/lượng, lên mức cao nhất trong 6 năm qua. Tuy nhiên, thị trường gần như chỉ biến động về giá, số lượng nhà đầu tư mới có tham gia nhưng không nhiều.

Hình thành mặt bằng giá mới

Những biến động của giá vàng trong nước gần đây do ảnh hưởng chủ yếu từ giá thế giới. Trong tháng 6, giá vàng thế giới tăng đột biến từ khoảng 1.280 USD/ounce vượt qua ngưỡng 1.300 USD/ounce rồi có thời điểm "chạm đỉnh" 1.435 USD/ounce. Một số chuyên gia dự báo giá vàng có thể chạm tới mốc 1.500 USD/ounce.

Thị trường vàng không dậy sóng, vì sao? - Ảnh 1.

Dù giá vàng biến động mạnh trong thời gian qua nhưng thị trường này vẫn ổn định Ảnh: TẤN THẠNH

Đối chiếu trong chu kỳ biến động của giá vàng 10 năm qua, nếu tính từ thời điểm giá vàng thế giới đạt đỉnh 1.920 USD/ounce năm 2011, tương đương giá vàng trong nước lúc đó lên tới gần 50 triệu đồng/lượng. Trong 6 năm nay, đây là lần biến động và đạt mức cao nhất của giá vàng. Cũng trong 1 tháng qua, giá vàng SJC tăng gần 8%, giá vàng thế giới tăng khoảng 9%.

Giá vàng trong nước chịu tác động mạnh mẽ nhất từ sự biến động của giá thế giới, trước những biến động liên tục về địa chính trị, tình hình kinh tế thế giới, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Gần đây nhất, chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không tăng lãi suất 2 lần như kế hoạch mà còn dự định giảm dưới sức ép của tăng trưởng kinh tế chậm lại và việc Tổng thống Mỹ chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ 2…

Điều đáng lưu ý, đợt biến động mạnh của giá vàng trong nước gần đây chủ yếu về giá, thị trường không còn cảnh người dân đổ xô xếp hàng mua vàng như những lần sốt giá trước đây. Giá vàng SJC nhiều thời điểm còn thấp hơn giá vàng thế giới từ 500.000-700.000 đồng/lượng, kích thích nhu cầu xuất vàng biên mậu, thu ngoại tệ về giúp giá USD tự do không tăng, thậm chí có lúc giảm.

Dù không có lượng giao dịch đột biến nhưng thị trường vàng trong nước đang hình thành mặt bằng giá mới khi các doanh nghiệp điều chỉnh giá theo đà biến động của thế giới. Hiện mặt bằng giá vàng mới đã được thiết lập ở mức quanh vùng 39 triệu đồng/lượng.

Chi phí giao dịch đắt đỏ

Đang có nhiều yếu tố khiến vàng không còn hấp dẫn. Từ năm 2012, khi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng ra đời và có hiệu lực, với những bước đi đồng bộ là ngừng huy động và cho vay vàng, giảm đầu mối kinh doanh mua bán vàng miếng từ 12.000 điểm giao dịch trên cả nước còn hơn 2.000 điểm như hiện nay.

Trước đây, người dân mua vàng gửi ngân hàng vừa có lãi vừa chờ giá tăng rồi bán kiếm lời. Vàng trở thành kênh giữ tài sản lại là kênh kiếm lời nhờ lướt sóng hoặc gửi ngân hàng. Người dân đổ xô vào vàng, gây áp lực lên tỉ giá, vô hình tạo thành vòng xoáy tác động tiêu cực đến chính sách điều hành tiền tệ, lạm phát của nhà nước. Đến giờ, ngân hàng không huy động vàng, không nhận giữ vàng hoặc khách hàng phải trả phí gửi… Người dân có thể bị bắt quả tang và bị xử phạt nếu giao dịch mua bán vàng miếng ở các điểm kinh doanh không có giấy phép. Tất cả yếu tố này khiến chi phí giao dịch vàng trở nên đắt đỏ.

Một bộ phận nhà đầu tư, người dân mua vàng ở vùng giá cao 45-48 triệu đồng/lượng nhiều năm trước đến giờ vẫn còn "ôm hận", chưa thoát ra được nên hiện nay dù giá tăng hơn 3 triệu đồng/lượng trong 1 tháng cũng chưa đủ lực hấp dẫn kéo họ mặn mà trở lại.

Trong khi đó, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản gần đây ngày càng hấp dẫn, số lượng cổ phiếu của doanh nghiệp hoạt động minh bạch, rõ ràng nhiều hơn; giá bất động sản tăng mạnh. Hai kênh đầu tư này cạnh tranh và thu hút nên dòng tiền nhàn rỗi của người dân chuyển sang, không còn tập trung vào vàng.

Chính sách quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước bằng Nghị định 24 góp phần chống vàng hóa nền kinh tế, ổn định tỉ giá. Dù vậy, vẫn còn băn khoăn là Nghị định 24 có đề cập chính sách huy động vàng trong dân để đưa vào sản xuất, kinh doanh nhưng đến nay vẫn bỏ ngỏ. Nhiều chuyên gia từng đánh giá vàng trong dân lên tới vài trăm tấn, cơ quan quản lý cần quan tâm để huy động nguồn lực này. Bởi nhìn rộng ra thế giới, đến giờ ngân hàng trung ương nhiều nước vẫn tiếp tục mua vào vàng bổ sung dự trữ ngoại hối.

Giá vàng đang ở vùng 39 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 8% so với đầu năm. Một số chuyên gia nhận định đà tăng giá của vàng đang đe dọa kênh tiền gửi ngân hàng. Nếu sắp tới, giá vàng tăng mạnh lên 45-49 triệu đồng/lượng thì sẽ cạnh tranh với kênh chứng khoán, bất động sản… Khi đó, liệu người dân có ngồi im hay lại đổ xô sang vàng? Dẫn chứng này để thấy dù không còn hấp dẫn nhưng cơ quan quản lý vẫn phải tiếp tục "lưu tâm" và có chính sách điều hành hợp lý để thị trường này không nổi sóng.

Chưa tạo áp lực lên tỉ giá USD/VNĐ và lãi suất

Số liệu thống kê của một số tổ chức tài chính quốc tế cho thấy từ năm 1999 đến 2019, giá vàng thế giới tăng bình quân 8,56%/năm. Điều này có thể thấy thị trường đã xác lập một tỉ lệ tăng giá cao nhất của vàng trong 20 năm qua.

Bước ngoặt của thị trường tài chính là từ năm 2018, ngân hàng trung ương nhiều nước tăng sức mua vàng để thay thế một phần dự trữ ngoại hối bằng USD và trái phiếu chính phủ Mỹ. Cộng thêm chính sách nới lỏng tiền tệ, đồng tiền nhiều nước suy yếu; tình hình chính trị, quân sự quốc tế... là những yếu tố làm giá vàng gần đây đi lên và dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Giá vàng quốc tế tăng mạnh khiến giá vàng tại Việt Nam vượt qua 39 triệu đồng/lượng. Dẫu vậy, đang có khá nhiều yếu tố kìm hãm tốc độ tăng giá của vàng. Mỹ và Trung Quốc đang có dấu hiệu tái đàm phán thương mại, từ đó các quốc gia sẽ giảm lãi suất hoặc giảm giá đồng nội tệ nhưng không nhiều vì lo ngại lạm phát gia tăng.

Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng trong nước đã tăng khoảng 8% nhưng lãi suất và tỉ giá USD/VNĐ biến động không đáng kể. Hiện nhiều quốc gia có ý định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ qua việc giảm lãi suất nhưng theo tôi, lãi suất tại Việt Nam không đi theo xu hướng này. Nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào nên tỉ giá USD/VNĐ hiện đang ở mức ngang bằng với cuối năm ngoái. Thậm chí những ngày qua, giá USD trong ngân hàng thương mại liên tục giảm sâu.

Trong thời gian tới, nếu tỉ giá vẫn được giữ ổn định và biến động trong khoảng 2%-3%/năm sẽ là thành công trong điều hành, nhất là khi nhiều nước có đồng tiền nằm trong rổ tiền tệ tính tỉ giá trung tâm của Việt Nam thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, gây áp lực lên tỉ giá USD/VNĐ.

TS Bùi Quang Tín


Nguồn: