Yên tâm gửi tiết kiệm
Trần lãi suất huy động ngắn hạn, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, đã giảm từ ngày 19/11/2019. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1 điểm %/năm xuống 0,8 điểm%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5 điểm %/năm xuống 5,0 điểm %/năm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hạ trần lãi suất huy động không có tác động nhiều. Bởi, lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng vẫn được điều chỉnh theo cung cầu của thị trường và vẫn đang duy trì ở mức tương đối cao.
Mấy ngày qua, một loạt ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Chẳng hạn, Ngân hàng Á châu (ACB) giảm 0,05 điểm %/năm các kỳ hạn 9 tháng và 12 tháng. Ngân hàng Quân đội (MB Bank) giảm 0,1 điểm %/năm ở hầu hết các kỳ hạn. Ngân hàng Bảo Việt (Bao Viet bank) giảm 0,05 điểm %/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Ngân hàng Sài Gòn (SCB) giảm 0,2 điểm % kỳ hạn 24-36 tháng. Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPbank) giảm 0,4 điểm %/năm ở hàng loạt kỳ hạn. Ngân hàng Bắc Á (Bac A bank) giảm 0,5 điểm %/năm với lãi suất huy động kỳ hạn 12-36 tháng.
Với lãi suất hiện nay khách hàng có tiền nhàn rỗi vẫn yên tâm gửi ngân hàng để hưởng lợi.
Mức lãi suất giảm sâu nhất lên đến 1%/năm tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), khi khách gửi tại quầy (từ 8,6%/năm xuống còn 7,6%/năm) với kì hạn 24 tháng.
Nhìn chung, lãi suất huy động đã giảm, nhưng mức giảm không đáng kể, hoặc giảm tập trung cho những kỳ hạn mà ngân hàng muốn hạn chế huy động. Trần lãi suất huy động giảm về mức 5%/năm, chỉ áp dụng cho các khoản gửi dưới 6 tháng (6 tháng trừ 1 ngày). Trong khi, những kỳ hạn từ 6-13 tháng vốn có nhiều khách gửi, lãi suất tại nhiều ngân hàng vẫn duy trì ở mức khá cao.
Khảo sát hơn 10 ngân hàng TMCP nhỏ cho thấy, với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của các ngân hàng phổ biến từ 6,8%-7,9%/năm, kỳ hạn 9 tháng từ 6,9%-7,96%/năm, kỳ hạn 12 tháng từ 7,8%- 8,2%/năm, kỳ hạn 13 tháng từ 7,4%-8,3%/năm.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhóm ngân hàng TMCP nhỏ vẫn sẽ dẫn dắt về lãi suất trong thời gian tới. Những ngân hàng này vốn yếu về thanh khoản sẽ phải huy động với lãi suất cao. Hiện tại, lãi suất huy động của các ngân hàng TMCP nhỏ cao hơn hẳn nhóm ngân hàng lớn từ 1%-1,5 điểm %/năm.
Nếu các ngân hàng TMCP nhỏ gặp căng thẳng về thanh khoản trong những tháng cuối năm thì việc đẩy mạnh huy động trên thị trường dân cư sẽ tiếp tục. Có thể lãi suất sẽ không tăng công khai, nhưng bù vào đó là các chương trình khuyến mãi như cộng lãi suất, thưởng lãi suất ngoài, trả lãi trước,... để tăng huy động. Khi đó, các ngân hàng TMCP lớn cũng khó lòng giảm lãi suất do lo sợ mất thị phần.
Với lãi suất như hiện nay khách hàng có tiền nhàn rỗi vẫn yên tâm gửi ngân hàng để hưởng lợi. Lãi suất vẫn rất hấp dẫn nhất là với kỳ hạn 6 và 9 tháng tại các ngân hàng TMCP nhỏ. Xu hướng tiếp tục giảm lãi suất khó có thể diễn ra.
Lãi suất có giảm tiếp?
Trong khi đó, một số khách hàng tiết lộ, nếu lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm họ sẽ chuyển hướng đầu tư. Bởi, lãi suất giảm sẽ tác động đến thị trường chứng khoán, đẩy giá chứng khoán lên. Giá chứng khoán và lãi suất luôn luôn ngược chiều nhau. Nếu lãi suất đồng loạt giảm 1% thì giá cổ phiếu sẽ tăng lên. Vì vậy, có thể chuyển sang đầu tư vào cổ phiếu để hưởng lợi lớn hơn.
Ngoài ra, khi lãi suất giảm cũng sẽ tác động đến tỷ giá. Giảm lãi suất có nghĩa giá trị của tiền đồng so với đô la Mỹ có thể giảm. Nếu lãi suất giảm mạnh sẽ chuyển hướng sang đầu cơ ngoại tệ có lợi hơn.
Hơn nữa, thị trường trái phiếu DN đang phát triển. Ngày càng có nhiều DN phát hành trái phiếu bởi quy định rất thông thoáng, thay cho vay vốn từ ngân hàng. Hiện nhiều trái phiếu DN có lãi suất từ 11%-13%/năm. Đây cũng là kênh đầu tư được nhiều người quan tâm, nếu lãi suất gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn nữa.
Lãi suất huy động không giảm mạnh thì lãi suất cho vay cũng không thể giảm theo. Lãi suất cho vay hiện chỉ giảm cho những DN thuộc nhóm ưu tiên, với đòi hỏi về tiêu chuẩn và điều kiện khá chặt chẽ. Mức giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay mà các cơ quan chức năng mong muốn, để hỗ trợ các DN vẫn chưa diễn ra trên diện rộng.
Không những thế, còn có ý kiến cho rằng, mức giảm 0,5 điểm % không tác động nhiều tới các DN. Hiện các DN dựa rất nhiều vào vốn vay của ngân hàng, nên chi phí về vốn rất lớn. Mặt bằng lãi suất vốn vay các DN đang phải chịu từ 9-10%/năm, vì vậy có giảm 0,5 điểm % thì chi phí chỉ giảm ở mức độ rất thấp. Muốn hỗ trợ các DN thì lãi suất cho vay phải giảm nhiều hơn và trên diện rộng.
Một số DN phản ánh họ đang phải vay vốn kỳ hạn 6 tháng lãi suất 10%/năm, vì vậy có giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay cũng chỉ giúp giảm một phần nhỏ chi phí, nhưng lại không dễ dàng vay được thời điểm này. Vì vậy, chỉ mong lãi suất đừng tăng thêm nữa.
Nguồn: